Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công nghiệp là yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá khá rõ nét, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh qua các năm tăng dần.
Công nhân vận chuyển sản phẩm gỗ tại một công ty chế biến gỗ trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp chính là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp giai đoạn 2015-2020 là 14,44%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có chỉ số sản xuất đạt 14%/năm, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất, khoảng 98% tổng giá trị toàn ngành.
Trong 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp so cùng kỳ tăng 20,13%, trong đó, nhóm ngành khai khoáng giảm 4,25% do doanh nghiệp hiện đang khai thác tận thu trong thời gian chờ được cấp phép khai thác tầng sâu nên sản lượng ngày càng ít vì các nguồn khai thác trước đó dần cạn kiệt.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,58%. Nhờ một số ngành tăng rất cao, góp phần làm cho chỉ số 9 tháng nhóm ngành này tăng mạnh như: sản xuất giường, tủ, bàn ghế, sản xuất thiết bị điện, sản phẩm từ cao su và plastic, công nghiệp dệt; sản xuất giấy và các sản phẩm; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 16,64% trong đó chế biến và bảo quản rau quả tăng 6,03% (chủ yếu là hạt điều), sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, riêng sản xuất đường giảm 18,38% do khó khăn đầu vào lẫn đầu ra.
Sản phẩm chủ yếu đa số các sản phẩm đều tăng khá như: bột mì, xi măng, gạch các loại, giày các loại, clanke poolan, quần áo các loại, vỏ, ruột xe các loại; điện thương phẩm; điện sản xuất; nước máy sản xuất.
Kiểm tra hệ thống nước thải tại một công ty xử lý nước thải trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Hiện trên địa bàn tỉnh 6 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Trong đó, có 5 khu công nghiệp đã được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch là 3.385,19 ha.
Tỉnh Tây Ninh hiện đứng thứ 13 trong thu hút đầu tư FDI so với các địa phương trong cả nước. Các dự án đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực khai thác lợi thế của tỉnh gồm: dệt may, chế biến nông sản (mía, mì,...), sản xuất các sản phẩm cao su và plastic, da giày, các sản phẩm kim loại.
Các dự án đầu tư cũng có xu hướng gia tăng các yếu tố về công nghệ và tự động hoá. Ngành nghề công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày được tạo điều kiện phát triển. Ngành công nghiệp chế biến mía, khoai mì, cao su được khuyến khích cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, phần lớn các dự án, doanh nghiệp là các dự án, doanh nghiệp gia công sản phẩm xuất khẩu, giá trị tăng thêm còn thấp.
Để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng và cả nước.
Theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững, để công nghiệp trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Tây Ninh trở vào nhóm 20 tỉnh có GRDP cao nhất cả nước vào năm 2030; thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường, qua đó thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công, chế biến thô sang chế biến sâu.
Bên cạnh đó, tỉnh đưa ra những định hướng phát triển tổng thể ngành công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 2021-2030. Cụ thể như: tỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở rộng thêm một số khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo hướng công nghiệp - đô thị, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, thị trường ổn định. Đa dạng hoá thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư uy tín, công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.
Công nhân dệt may tại một công ty dệt trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành.
Tiếp tục khai thác tiềm năng điện mặt trời đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện; giám sát, đôn đốc việc xây dựng kết cấu hạ tầng điện theo quy hoạch, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung. Dự kiến xây dựng các khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung với tổng công suất đến năm 2025 khoảng 132.960 m3/ngày đêm, sẽ tăng lên 263.062 m3/ngày đêm vào năm 2030.
Tại mỗi khu công nghiệp tập trung phải được xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép xả thải ra nguồn tiếp nhận.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị chính quyền phải hành động với tinh thần doanh nghiệp để tạo sức bật cho các doanh nghiệp ở địa phương, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại tỉnh. Đồng thời, tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số để cải thiện môi trường chính sách và hành chính quản trị và dịch vụ công, tiếp tục cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI Index, PAPI, PAR Index và ICT Index lên mức cao trong vùng và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân đạt khoảng 12,5%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 14%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2021-2025 tăng trung bình trên 15,5%/năm và trên 16% trong giai đoạn 2026-2030.
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 chiếm khoảng 50% GRDP, đến năm 2030 đạt khoảng 55%.
Nhi Trần