Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhờ thực hiện tốt chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, từ năm 2023 đến nay, hầu hết các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đều âm tính với virus HIV.
Mẹ dự phòng tốt, con không bị nhiễm
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, năm 2023, ngành Y tế đã xét nghiệm HIV cho 16.663 phụ nữ mang thai, trong đó, 38 người biết tình trạng nhiễm HIV từ trước và mang thai; 7 người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Hiện có 40 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó có 36 người điều trị trước khi có thai, 2 người trong thời kỳ mang thai và 2 người điều trị trong khi chuyển dạ. Hầu hết các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm PCR từ 0 đến 2 tháng tuổi đều âm tính với HIV. Thành quả này là nhờ quá trình can thiệp sớm và tuân thủ các nguyên tắc điều trị, dự phòng trước, trong quá trình mang thai đến khi sinh để trẻ ra đời không nhiễm HIV từ mẹ.
Nhân viên y tế Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh hướng dẫn sản phụ phòng ngừa sớm các bệnh truyền nhiễm từ mẹ sang con
Trung bình mỗi tháng, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh tiếp nhận 3 trường hợp sản phụ nhiễm HIV. Các trẻ ngay khi ra đời đều được uống siro NVP, khám và xét nghiệm dự phòng lây nhiễm HIV trong 40 ngày. Từ năm 2023 đến nay, trong 39 ca mẹ nhiễm HIV sinh con tại bệnh viện, tất cả các trẻ vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh, âm tính với HIV.
Gặp chị N.K.H. (40 tuổi) sau một đêm vượt cạn tại bệnh viện, trông chị vẫn khoẻ mạnh, lạc quan. Chị H. là một trong nhiều trường hợp tuân thủ thời gian và liều lượng điều trị HIV hiệu quả tại Tây Ninh. Bên đứa con thứ ba vừa chào đời kháu khỉnh, khoẻ mạnh, chị H. cho biết luôn có niềm tin đứa con chào đời không bị lây nhiễm HIV từ mình. “Từ khi mang thai, tôi được các bác sĩ tư vấn nhiệt tình, tuân thủ điều trị thuốc đúng giờ, đúng liều lượng. Nhìn con gái ra đời khoẻ mạnh, tôi thật hạnh phúc”- chị H. trải lòng.
Chị H. kể lại cái ngày bàng hoàng khi phát hiện bị nhiễm HIV. Khi đó, gia đình chị đang có cuộc sống ấm êm, thu nhập đủ sống. Anh L.- chồng chị là thợ cơ khí, chị ở nhà nội trợ chăm sóc gia đình và nuôi dạy 2 con. Tối đến, vợ chồng cùng nhau ra bờ hồ Dầu Tiếng kéo cá kiếm thêm thu nhập. Trong lần đi kéo cá, trời mù mịt, tối khuya, chị vô tình giẫm phải vật nhọn, soi đèn thì phát hiện là kim tiêm mà ai đó vứt bừa bãi. Nghĩ bụng chắc là vô hại, chị H. rửa sạch, sát trùng vết thương tại chỗ. Nhưng sau vài ngày, cơ thể chị bắt đầu mệt mỏi, đau nhức, chóng mặt, buồn nôn, uống thuốc bao nhiêu cũng không khỏi. Chị đến Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để làm các xét nghiệm, kết quả dương tính với HIV. “Tôi gần như chết lặng, muốn bỏ đi tất cả, nhưng nhìn các con còn quá nhỏ, tôi không nỡ”. Chị vẫn tiếp tục sống, tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ và dự phòng lây nhiễm cho thai nhi. “Mỗi lần xét nghiệm lại là một lần hồi hộp, tôi lo lắm, nhưng mình phải tuân thủ đúng quy định uống thuốc để bản thân an toàn, cũng là cách để người thân của mình an toàn”- chị H. chia sẻ.
Phải tuân thủ điều trị ARV
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm 30% - 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực và toàn diện, tỷ lệ này có thể dưới 2%, thậm chí thấp hơn. Chính vì vậy, can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ sớm, từ xa là biện pháp hữu hiệu nhất.
Bác sĩ Đệ cho biết thêm, thuốc điều trị HIV là chìa khoá để bệnh nhân HIV khoẻ mạnh khi sống chung với loại virus này. Tuy nhiên, để điều trị HIV có hiệu quả, người bệnh phải tuân thủ về liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Việc bỏ liều thuốc hoặc không dùng thuốc kháng virus ARV đúng thời gian theo quy định sẽ khiến HIV nhân lên, tải lượng virus trong cơ thể cao hơn và làm tổn hại thêm đến hệ thống miễn dịch của người bệnh. Riêng đối với phụ nữ mang thai, cần phải tuân thủ dự phòng nghiêm ngặt hơn để loại trừ lây truyền HIV sang con. Vì vậy, khi quyết định mang thai, người mẹ phải xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV để giảm nguy cơ cho con, vì đây là yếu tố then chốt có tính chất quyết định.
Người mang thai nhiễm HIV phải tuân thủ điều trị ARV để dự phòng lây nhiễm cho con (ảnh minh hoạ)
Tương tự, Điều dưỡng trưởng Khoa sản BVĐK Phí Thị Gái chia sẻ: “Người mẹ nào khi mang thai cũng mong muốn con ra đời được khoẻ mạnh, lành lặn cả. Nếu mình làm không tốt công tác can thiệp dự phòng, không tuân thủ điều trị ARV thì đứa bé ra đời sẽ bị nhiễm, phải điều trị HIV suốt cả đời, rất là tội nghiệp”. Hiện nay, phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV nếu tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Do đó, người mẹ cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Mặt khác, nên sinh đẻ ở bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh, phải tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khoẻ cho cả hai. “Hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm, vì đây được đánh giá là biện pháp hữu ích, không chỉ phòng ngừa HIV, mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và các bé sinh ra có được sức khoẻ phát triển bình thường”.
Điều dưỡng trưởng Phí Thị Gái cho biết thêm, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều cần sử dụng thuốc kháng virus dự phòng phơi nhiễm HIV, việc xác định HIV ở trẻ được tiến hành sau sinh 4 - 6 tuần hoặc ngay sau giai đoạn này càng sớm càng tốt bằng phương pháp xét nghiệm PCR để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, theo dõi tiếp cho trẻ. Tuy nhiên, người mẹ nhiễm HIV khi mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sau sinh để giảm tối đa các nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hướng tới loại trừ HIV từ mẹ sang con vào năm 2030
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng điều trị ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tuổi thai. Song song đó là các dịch vụ tư vấn chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV cũng như con của họ sau sinh. Đó là tiếp tục điều trị ARV cho mẹ theo phác đồ và điều trị dự phòng cho con bằng thuốc ARV liên tục trong 6 tuần tuổi đầu tiên. Đến nay, những nỗ lực dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tác động dễ dàng nhìn thấy nhất là số trẻ em nhiễm HIV dưới 1 tuổi giảm liên tục từ năm 2013 trở lại đây.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến tháng 12.2023, toàn quốc có 178.941 người bệnh HIV đang điều trị thuốc ARV, trong số này có 176.232 người lớn và 2.709 trẻ em. Hiện tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế là 98%. Đây chính là căn cứ để Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Từ năm 1999, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được Bộ Y tế triển khai khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình nhằm bảo vệ trẻ em, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và người mẹ biết được tình trạng sức khoẻ của mình để can thiệp sớm trong điều trị nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Từ ngày 1.6 - 30.6, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 được Bộ Y tế triển khai với chủ đề “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Để hướng tới mục tiêu này, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xoá bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Tâm Giang
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30%-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.