Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo dự án, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành phục tráng 2 giống lúa mùa đặc sản của tỉnh là giống Huyết Rồng và Khao Dawk Mali, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả.
Ruộng lúa mùa giống Huyết Rồng đang được trồng thử nghiệm.
Gần đây, ngành Nông nghiệp Tây Ninh phối hợp với Trường đại học Cần Thơ triển khai dự án tuyển chọn, nhân giống lúa mùa đặc sản nhằm phục tráng các giống lúa đặc sản và tạo giống lúa mới thích nghi cho tỉnh.
Theo dự án, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành phục tráng 2 giống lúa mùa đặc sản của tỉnh là giống Huyết Rồng và Khao Dawk Mali, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả.
Kỹ sư Lâm Văn Tính- Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chủ nhiệm đề tài cho biết, trên địa bàn tỉnh, nguồn gen lúa mùa đặc sản được trồng trước đây bao gồm các giống: Bằng Nù, Bằng Tây, Bằng Cốc, Nàng Thuận, Huyết Rồng, Khao Dawk Mali, Soi Miên, C4...
Tuy nhiên, các giống này đã bị mất gốc cách đây 25 năm do năng suất thấp (chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha) và mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Trong xu hướng chạy theo lợi nhuận, cần giống lúa ngắn hạn cho năng suất cao, các giống lúa cũ không còn được canh tác mà thay vào đó là các giống lúa cao sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nông dân chỉ còn canh tác một vài giống như Xương Gà, Huyết Rồng, Khao Dawk Mali, Soi Miên nhưng với diện tích nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, chỉ đủ để phục vụ trong gia đình. Trong đó, 2 giống Huyết Rồng, Khao Dawk Mali được thị trường ưa chuộng hơn các giống khác nhờ vào các đặc tính riêng biệt và cho giống gạo thơm ngon.
Như giống Huyết Rồng có hạt gạo màu đỏ, mềm cơm, được người tiêu dùng lựa chọn phục vụ nhu cầu chế biến thực phẩm chức năng. Còn giống Khao Dawk Mali thơm, mềm cơm, đặc biệt là hạt gạo dài trung bình 7,2mm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ngành Nông nghiệp, giá trị kinh tế từ 2 giống lúa này cao hơn nhiều so với các giống lúa nông dân đang sản xuất đại trà.
Mới đây, sau khi tiến hành các quy trình chặt chẽ trong khâu chọn lúa giống tại Đại học Cần Thơ, hai giống lúa Huyết Rồng và Khao Dawk Mali được đem trồng thử nghiệm với diện tích 1.000m2 tại cánh đồng ở khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh và hiện đã được 24 ngày tuổi.
Theo kỹ sư Tính, việc chọn những cánh đồng xung quanh chân núi Bà Đen để khảo nghiệm phục tráng giống lúa Huyết Rồng và Khao Dawk Mali là do thổ nhưỡng ở đây thích hợp với lúa mùa, có nguồn nước canh tác tự nhiên (nước mưa) sẽ cho chất lượng gạo tốt hơn và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
Hiện dự án này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng nếu thành công, ngành Nông nghiệp có thể triển khai nhân giống trên diện tích 1 ha, dự kiến cho thu hoạch 5-6 tấn lúa giống. Số lúa giống này sẽ được giao cho Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để phân phối cho nông dân. Từ đó, nông dân sẽ luân chuyển nhân rộng giống lúa này để mở rộng diện tích canh tác.
Cũng theo kỹ sư Tính, giống lúa mùa có thời gian canh tác dài hơn so với các giống lúa đại trà người dân đang sử dụng. Nhưng bù lại, nếu nông dân canh tác bảo đảm đúng kỹ thuật sẽ thu được lợi nhuận cao, bởi giá gạo lúa mùa khi bán ra thị trường đắt gần gấp đôi so với gạo lúa ngắn ngày.
Ông Tính cho biết thêm, trong quá trình triển khai dự án, có một doanh nghiệp kinh doanh nông sản luôn theo dõi sát sao và cho biết, nếu việc phục tráng giống lúa mùa thành công, doanh nghiệp này sẽ bao tiêu sản phẩm lúa mùa cho nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp hy vọng sắp tới sẽ có nhiều nông dân chuyển sang canh tác lúa mùa, qua đó nâng cao chất lượng dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế cho cây lúa truyền thống.
THANH NHI