Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quan điểm các bên trước phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia
Thứ tư: 08:26 ngày 20/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự kiến ngày 20/12, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2, nhằm xem xét phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2024. Tại phiên họp này, các bên dự kiến sẽ đưa ra đề xuất về mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024.

Theo thông lệ, hàng năm, các phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp vào khoảng tháng 7, tháng 8 để thảo luận, bỏ phiếu về mức tăng lương tối thiểu vùng. Mỗi kỳ họp Hội đồng tiền lương diễn ra 2-3 phiên. Nếu thuận lợi và đồng thuận khi tìm được tiếng nói chung, việc chốt tăng lương tối thiểu vùng sẽ vào phiên thứ hai.

Nếu không tìm được tiếng nói chung, phương án và thời điểm tăng lương thường được chốt trong phiên họp thứ ba thông qua bỏ phiếu.

Lao động trong lĩnh vực dệt may. Ảnh: XC

Riêng năm 2023, do bối cảnh đầu năm nay, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, doanh nghiệp giãn, hoãn, thậm chí sa thải lao động, nên ưu tiên trong giai đoạn này là giữ việc làm ổn định. Vì vậy, tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng.

Tại thời điểm phiên họp thứ nhất năm 2023, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 5- 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I.

Trước thềm phiên họp này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng đã gửi báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện lương tối thiểu vùng đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho thấy có sự chênh lệch giữa tiền lương tối thiểu và tiền lương thực tế của người lao động. Lương tối thiểu danh nghĩa do Chính phủ quy định, còn lương thực tế có tính đến tác động của lạm phát và sức mua.

Thống kê trong giai đoạn 2015 - 2022, Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12/2015, lên 168 USD vào tháng 12/2022.

Lần gần nhất lương tối thiểu được điều chỉnh từ ngày 1/7/2022 với mức trung bình 6% sau 2,5 năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều.

Theo ILO, trong thời kỳ 2015 - 2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7%, song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

Về mức đề xuất tăng lương trong lần thương lượng tới, hiện các bên đều chưa đưa ra phương án cụ thể. Tuy nhiên, đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, ở mỗi thời điểm, sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, "sức khỏe" của doanh nghiệp và mong muốn của người lao động, để đưa ra một mức đề xuất phù hợp.

Phía đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình với việc phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024, song tăng ở mức bao nhiêu sẽ cần cân nhắc, đàm phán tại phiên họp, bởi còn liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như các yếu tố khác.

Cũng trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cựu thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, luật đã quy định rõ, lương tối thiểu được điều chỉnh dựa vào các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động...

Tuy nhiên, đảm bảo các yếu tố này mới là bước đầu để tăng lương tối thiểu, quan trọng hơn là khả năng chi trả của doanh nghiệp.

“Người lao động nhận lương tối thiểu nhưng đây lại là chi phí doanh nghiệp chi trả. Nếu lương tối thiểu vùng cao, doanh nghiệp phải chi trả chi phí quá cao, khi không gánh được họ sẽ buộc phải sa thải lao động nếu không muốn vi phạm luật”, bà Hương nhận định.

Theo các chuyên gia lao động, với quy trình lấy ý kiến ra văn bản, về thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ hợp lý vào 1//7/2024, thời điểm sẽ điều chỉnh tăng lương cơ sở và vị trí việc làm đồng bộ.

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng từ 180.000 - 260.000 đồng so với trước đó tùy theo vùng lương. Hiện mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Nguồn XM/báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục