Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quản lý vốn nhà nước không thể quay lại cơ chế bộ chủ quản
Thứ năm: 09:15 ngày 19/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những bất cập trong hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của DNNN cũng như khó khăn, vướng mắc đang đặt ra cho hoạt động của CMSC cần được giải quyết thấu đáo nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiến trình cải cách DNNN, không thể nửa vời quay về cơ chế chủ quản cũ.

Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị được chuyển về cơ quan chủ quản cũ, cùng với hàng loạt dự án (DA) lớn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đình trệ ngay từ khâu xác định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đã làm dấy lên những lo ngại về mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).

Cần phải khẳng định rằng, việc ra đời của CMSC là thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quá trình đổi mới DNNN suốt 20 năm qua.

Do đó, những bất cập trong hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của DNNN cũng như khó khăn, vướng mắc đang đặt ra cho hoạt động của CMSC cần được giải quyết thấu đáo nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiến trình cải cách DNNN, không thể nửa vời quay về cơ chế chủ quản cũ.

Từ đầu năm đến nay, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt bị ảnh hưởng vì chưa bố trí được nguồn kinh phí. Ảnh: NGUYÊN NGỌ

Bài 1: Khó khăn của giai đoạn chuyển tiếp

Mặc dù nắm giữ nguồn lực hơn 2,3 triệu tỷ đồng và có nhiệm vụ triển khai nhiều DA quy mô lớn, có sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhưng tất cả 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đều không hoàn thành được chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 về đầu tư phát triển.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt khá thấp, phần lớn các DA lớn đều không kịp tiến độ trong khi việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DA trọng điểm còn chậm, là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng kết quả giải ngân đầu tư công của cả nước.

“Lụt” tiến độ vì chờ xác định cơ quan chủ quản

Năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nộp hồ sơ đề nghị CMSC phê duyệt chủ trương đầu tư DA đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Do tính chất đặc thù của DA là đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ giao CMSC xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, CMSC không thể phê duyệt DA vì cả Luật Đầu tư năm 2014 (Luật số 67) và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật số 69) đều không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của CMSC với DA này.

Cụ thể, Luật số 67 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Trong khi đó, Luật số 69 quy định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc phê duyệt DA của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, mục đích, tính chất, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật số 67 và phê duyệt DA theo quy định của Luật số 69 là hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, Luật số 69 chưa quy định cụ thể nội dung và trình tự phê duyệt DA của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các DA đầu tư, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo Luật số 69 và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC, cơ quan này có trách nhiệm phê duyệt một số DA có quy mô nhất định để Hội đồng thành viên ra quyết định đầu tư, nhưng lại không quy định rõ nội dung phê duyệt.

Còn Luật số 67 chỉ quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư đối với DA trên địa bàn nên không xác định được cơ quan nào có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với DA đi qua nhiều địa phương. Theo Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An, vì vướng mắc này mà có DA ngành điện chỉ cần sáu tháng để hoàn thành báo cáo khả thi và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư nhưng lại mất tám tháng mới xác định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Vướng mắc cũng xảy ra với hàng loạt DA lớn của ngành giao thông. Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phản ánh, từ khi được chuyển giao từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về CMSC (tháng 9-2018), nhiều DA của DN bị đình trệ do chưa xác định được cơ quan nào có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan hoạt động đầu tư, khiến DA không được giao kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (NSNN) suốt từ tháng 1-2019 đến nay.

Điển hình là DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á, tổng mức đầu tư 1,488 tỷ USD) do VEC làm chủ đầu tư, dù đã triển khai hơn 70% khối lượng công việc nhưng đang phải đề xuất Chính phủ cho tạm dừng xây dựng tới khi có vốn để tránh phát sinh các rủi ro pháp lý.

Những giải pháp trong “thời gian quá độ”

Căng thẳng nhất là trường hợp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, định kỳ hằng năm, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn cho VNR trước ngày 31-12.

Sau đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty thành viên để thực hiện bảo đảm an toàn chạy tàu gồm các hoạt động như tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ…

Tuy nhiên, sau khi VNR chuyển về CMSC (tháng 10-2018), Bộ GTVT không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế cũ vì theo Luật NSNN, nguồn vốn này chỉ được phân bổ cho đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới.

VNR và các DN đang thực hiện dịch vụ duy tu, sửa chữa đường sắt muốn nhận được DA buộc phải tham gia đấu thầu hoặc theo cơ chế đặt hàng thay vì được giao dự toán như trước. Do không thể tiếp tục giao dự toán ngân sách và chưa tìm được cơ chế ký hợp đồng với Cục Đường sắt Việt Nam (đơn vị được Bộ GTVT tạm giao tổ chức triển khai dự toán chi NSNN năm 2020), từ ngày 1-1-2020 đến nay, việc bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào vì tất cả cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn tại đường ngang, gác chắn không được trả lương.

VNR kiến nghị được chuyển giao về lại Bộ GTVT để trở lại cơ chế giao dự toán ngân sách hằng năm, giải tỏa được những vướng mắc nêu trên.

Hiện nay, đề xuất về lại Bộ GTVT của VNR đang được cấp có thẩm quyền cân nhắc. Nhưng vấn đề cấp bách hơn là tìm được phương án giao dự toán kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 để bảo đảm không gián đoạn hoạt động chạy tàu của VNR.

Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ GTVT thống nhất với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí cho VNR thông qua dự toán NSNN của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Như vậy có thể triển khai ngay việc giao dự toán và thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm hoạt động bình thường, thông suốt của hệ thống đường sắt. Đồng thời có thêm thời gian điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc đặt hàng thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trong thời gian tới.

Nhiều DA đầu tư công đang vướng mắc khác cũng được tháo gỡ theo hướng đề xuất cho phép giao lại các bộ được quyết định đầu tư như cơ chế trước đây. Giải pháp này được áp dụng đối với các DA đầu tư công đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư hoặc sắp hoàn thành nhưng chưa tính vào vốn DN.

Còn đối với các DA đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của DN sẽ do CMSC tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình tham gia ý kiến về việc xử lý vướng mắc đối với DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và DA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, Bộ đã đề xuất giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư và các DA này đang trong quá trình thực hiện.

Về phía CMSC cũng cho biết, hiện nay, khối lượng DA từ các bộ, ngành quản lý chuyển giao về quá lớn, đặc biệt là DA của EVN, VEC, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…

Những công việc chưa được xử lý dứt điểm trong quá trình thực hiện các DA này còn khá nhiều, phức tạp và tồn đọng qua nhiều thời kỳ. Việc xử lý kéo dài không chỉ ảnh hưởng hiệu quả DA mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN.

Do vậy, CMSC đề nghị giao các bộ tiếp tục xử lý một số DA gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho đến khi hoàn thành nghiệm thu, quyết toán.

Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, CMSC nhận bàn giao nguyên trạng tình hình tài chính của các DN cùng với 259 nhiệm vụ dở dang, chưa hoàn thành.

Trong đó có những việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn tồn đọng qua nhiều năm, có DA triển khai dở dang từ 10 - 20 năm. Đến nay, CMSC đã hoàn thành xử lý 189 công việc, đạt tỷ lệ 73%.

Đối với 70 việc chưa hoàn thành, CMSC đều có văn bản xin ý kiến góp ý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền và cơ quan liên quan. Tuy nhiên, hầu hết là những vấn đề đã tồn tại từ lâu, có vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan nhiều cơ quan nên cần có thời gian để xử lý dứt điểm.

Nguồn: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục