Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quanh chuyện không phân biệt các loại bằng cấp
Thứ tư: 11:36 ngày 09/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mấy ngày gần đây, báo chí và dư luận trong ngành Giáo dục quan tâm đến chuyện Bộ GD-ĐT có hai văn bản quy định về văn bằng, gồm không phân biệt bằng cấp tại chức hay chính quy (tức loại hình đào tạo) và không xếp loại bằng cấp.

Sinh viên đại học nhận bằng tốt nghiệp do Đại học Huế đào tạo tại Trường CĐSP Tây Ninh.

Sau khi hai quy định nêu trên được ban hành, báo chí và mạng xã hội có nhiều ý kiến. Trước hết, đối với chính sách không phân biệt loại hình đào tạo, mọi văn bằng có giá trị như nhau, điều này thực ra không phải do chủ quan của Bộ GD-ĐT. Một vị phó trưởng phòng GD-ĐT ở Tây Ninh cho biết, dư luận không nắm bắt được thông tin một cách đầy đủ nên thắc mắc.

“Luật Giáo dục (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua đã ghi rõ, không phân biệt bằng cấp, các loại văn bằng. Do đó, quy định của Bộ GD-ĐT là để cụ thể hoá của Luật Giáo dục, điều này hoàn toàn bình thường. Nói ngắn gọn, Bộ GD-ĐT làm đúng luật”- vị cán bộ cho biết. Tuy vậy, quy định không phân biệt các loại văn bằng, ở đây là bằng đại học cũng không phải không có những nghịch lý, bất cập.

Vị phó trưởng phòng chỉ ra rằng, luật quy định là một chuyện, còn trong thực tế nhiều khi lại khác. Đã từ rất lâu, nhiều cơ quan Nhà nước, kể cả doanh nghiệp khi tuyển dụng hoặc tổ chức thi viên chức, công chức đều đòi ứng viên phải có bằng đại học chính quy. Như vậy, từ nay, theo quy định mới, cơ quan, tổ chức tuyển dụng nhân sự không được quyền đòi bằng chính quy hay tại chức, từ xa hoặc các loại hình đào tạo khác. “Quy định là như vậy nhưng khâu thực hiện như thế nào cũng là một vấn đề, vì khác với thế giới, tâm lý của người Việt Nam là chuộng bằng cấp, hình thức”- vị phó trưởng phòng nhìn nhận.

Đối với quy định không xếp loại giỏi, khá, trung bình khá, trung bình… trên văn bằng đại học, vị quản lý cho rằng, quy định mới hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới. “Năng lực của một người được thể hiện qua công việc chứ không phải bằng cấp mà người đó đang sở hữu”. Tuy vậy, với quy định này, khi nộp hồ sơ dự tuyển, ứng viên, ngoài bằng cấp còn phải kèm theo bảng điểm kết quả học tập. Điều này có thể gây chút khó khăn, phiền hà trong việc lưu trữ hồ sơ.

Nhìn rộng ra, hai quy định nêu trên, mặc dù không nói thẳng ra, song Bộ GD-ĐT không phải không biết rằng, văn bằng chỉ là điều kiện tối thiểu để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển. Còn trình độ, năng lực thật sự của người đó đến đâu, đó là câu chuyện khác. Nếu có kinh nghiệm, cần nhìn nhận chuyện không phân biệt loại hình đào tạo (ở bậc đại học) cũng như không xếp loại văn bằng ở hai phương diện.

Trước hết, do khâu kiểm tra, đánh giá trong ngành Giáo dục (thật ra không riêng gì ngành nào) thiếu khách quan, độ tin cậy, tính khoa học thấp nên bằng cấp nhiều khi cũng không nói lên điều gì. Chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, thậm chí xếp loại giỏi nhưng không biết làm việc hoặc hiệu quả làm việc thua xa một anh chỉ có bằng trung cấp, cao đẳng là bình thường. Chuyện này “xưa như trái đất”, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có.

Ở phương diện thứ hai, chuyện “phân biệt đối xử” trong các loại văn bằng kéo dài hàng thập kỷ thật ra không phải không có cơ sở. Các loại hình đào tạo không chính quy, như chính người từng đứng đầu Bộ GD-ĐT có lần phát biểu công khai rằng, đào tạo không chính quy, đào tạo nâng chuẩn… là nồi cơm của các trường đại học. Những người theo học các loại hình đào tạo này, không phải tất cả nhưng phần lớn chỉ để hợp thức hoá hồ sơ.

Chất lượng đào tạo của loại hình này không cao, đó còn chưa kể tiêu cực tràn lan, mua, bán, cho, tặng, biếu điểm ở các lớp học không chính quy (kể cả chính quy) là chuyện bình thường. Trong các báo cáo, thống kê của các cơ quan, ban, ngành thường có thông tin về số lượng, tỷ lệ phần trăm cán bộ, nhân viên “có trình độ đại học”. Cách nói đó thật ra không hoàn toàn đúng, lẽ ra phải ghi, có bằng đại học, vì bằng cấp và trình độ không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau.

Có ba nguyên nhân chính khiến bằng cấp và trình độ thực không song hành với nhau, gồm chương trình đào tạo lạc hậu, trình độ của giảng viên và thái độ, tinh thần học tập của sinh viên.

Tóm lại, năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức của một người thể hiện qua công việc, sản phẩm họ làm ra chứ không phải tấm bằng. Chẳng có gì khó hiểu khi nhiều người bằng cấp đầy mình, “bộ sưu tập văn bằng” cực kỳ phong phú nhưng không làm được việc hoặc phát biểu những câu ngớ ngẩn…

Quy định bỏ phân biệt các loại bằng cấp, thực chất là bỏ phân biệt loại hình đào tạo và không xếp loại tốt nghiệp trên văn bằng là đúng, vì điều này không còn cần thiết. Cùng với việc cải cách hành chính, tinh giản các loại hồ sơ sổ sách, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, Bộ GD-ĐT đang trong lộ trình bãi bỏ những quy định cũ kỹ, lỗi thời. Điều đó cần được ủng hộ.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục