Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV:
Quốc hội thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố
Thứ năm: 08:46 ngày 28/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 27.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến các dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế. Có 33 đại biểu đăng ký phát biểu thảo luận về nội dung này. Các thành viên Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tiếp tục dự phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh dự phiên thảo luận tại điểm cầu Tây Ninh.

Qua thảo luận, đại biểu thống nhất cao các tờ trình, dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Trên cơ sở nghiên cứu đặc thù của địa phương, các cơ chế, chính sách này là cơ hội để địa phương phát huy tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu băn khoăn việc thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố có thể tạo cơ chế xin - cho, gây bất bình đẳng giữa các địa phương với nhau. Các đại biểu thống nhất khái niệm “thí điểm” cơ chế, chính sách đặc thù phát triển và đề nghị cần bổ sung cụ thể tiêu chí tỉnh, thành nào thì được áp dụng thí điểm; sau khi thí điểm ở một số địa phương cần phải có đánh giá, tổng kết, có chính sách chung cho vùng kinh tế.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau), 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có những tiềm năng, lợi thế khác nhau. Trừ Luật Thủ đô với những cơ chế riêng cho Thủ đô Hà Nội, 62 tỉnh, thành phố còn lại đều chung một nền tảng pháp lý; nếu không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì khó có thể kích hoạt được lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành.

Lần này, Chính phủ và Quốc hội dự kiến thí điểm trao quyền cho các địa phương một số cơ chế đặc thù về chính sách phí, lệ phí, điều chỉnh tỷ lệ phân chia, góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế để các địa phương bứt phá phát triển. Trên cơ sở thí điểm để phân loại các địa phương, tiến tới cá biệt hoá chính sách cho từng nhóm địa phương, thay vì “đồng phục” chính sách.

Một số đại biểu cũng kiến nghị việc xây dựng nghị quyết đi đôi với giám sát để đảm bảo nghị quyết phát huy hiệu quả trên thực tế; sau khi được Quốc hội thông qua, các địa phương được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cần triển khai ngay các nội dung công việc, tránh trường hợp đã cho cơ chế nhưng không triển khai được. Đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh tiêu biểu của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng sản xuất nông nghiệp...

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020; việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục