Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quốc hội tiếp tục thảo luận các nội dung quan trọng
Thứ tư: 11:18 ngày 10/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thứ ba (ngày 9.6), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai, đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ. Tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH Tây Ninh cùng với các Đoàn ĐBQH Sơn La, Ninh Bình, Đà Nẵng.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (đơn vị tỉnhTây Ninh) phát biểu thảo luận.

Đối với Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) thống nhất về sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác; đồng thời, đại biểu Tiến cũng đề nghị nên giao cho nhà đầu tư quân đội thực hiện đối với 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị trong lúc ngân sách còn khó khăn, cần cân nhắc về việc đầu tư đối với chỗ có lưu lượng giao thông ít.

Về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, các đại biểu trong Tổ thống nhất với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết tập trung điều chỉnh một số chính sách chủ yếu về quản lý thu ngân sách, quản lý chi ngân sách, mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị Chính phủ cần có báo cáo thực hiện Nghị quyết thí điểm của Thành phố Hồ Chí Minh để rút kinh nghiệm và đề ra các chính sách sát thực hơn. Về phí, lệ phí cần có quy định mang tính nguyên tắc trong việc giao quyền cho thành phố Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho Hà Nội.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021 với số đại biểu tán thành là 440, chiếm 91,1%. Sau đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Nội dung này, Quốc hội đã thảo luận ở phiên họp trực tuyến (đợt 1), nhưng do nhiều ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục thảo luận đối với dự án Luật này.

Nội dung đại biểu quan tâm tập trung thảo luận là về tiêu chuẩn ĐBQH; việc nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách từ ít nhất 35% lên 40%; về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội, đa số ý kiến thống nhất với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi 2 Ủy ban tên gọi là Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, giáo dục; về có nên chuyển Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thành cơ quan chuyên môn Quốc hội hay không; về vị trí pháp lý của Đoàn ĐBQH…

Vấn đề nữa là việc liên quan đến bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH, thực tế thì mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH hay là Văn phòng HĐND, UBND cũng đã có rất nhiều mô hình khác nhau, qua các giai đoạn, qua các thời kỳ. Đại biểu đề nghị vấn đề này giao cho Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện hơn để báo cáo với Bộ Chính trị, với Trung ương, rồi sau đó thực hiện.

Tiếp đến, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Ban soạn thảo xem xét cụ thể thêm quy định khoản 1, khoản 2 Điều 9 về các trường hợp hạn chế quyền tự do cư trú; theo đó khoản 1 là các biện pháp ngăn chặn khi bản án chưa có hiệu lực, khoản 2 là các biện pháp ngăn chặn khi bản án đã có hiệu lực, để dễ thực hiện trong thực tế.

Theo đại biểu, khoản 1 các biện pháp ngăn chặn do các cơ quan áp dụng theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm điều tra, truy tố, xét xử; khoản 2 là các biện pháp ngăn chặn mà nếu người bị buộc tội không bị tạm giam, tạm giữ sẽ ảnh hưởng đến quá trình tố tụng bao gồm đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh.

Đồng thời tại khoản 2, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ cụm từ “bị can, bị cáo đang tại ngoại”, vì không có trong thuật ngữ pháp lý tố tụng hình sự, chỉ là thói quen dùng.

Tại Điều 20, về Quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Theo đó, người có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì phải khai báo thông tin về nhân thân với Công an xã... Đại biểu băn khoăn, không đăng ký thường trú được nhưng đăng ký tạm trú được không, vì chỉ là nơi trú ngụ tạm thời. Trong khi đó, khoản 2, Điều 3 quy định “cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Đại biểu cho rằng có sự mâu thuẫn về mặt lý luận, cần phải được làm rõ và quy định cụ thể.

Tại Điều 24, quy định không đăng ký thường trú, tạm trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới thuộc trường hợp chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại. Đại biểu Phương đề nghị làm rõ trường hợp công nhân ở nhà trọ, trong khi nhà trọ đang bị tranh chấp thì công nhân có đăng ký tạm trú hay không?

Hôm nay, 10.6, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Sau đó, thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến công tác nhân sự.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục