Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ Tài chính vừa kiểm tra công tác quản lý thanh toán vốn đầu tư tại một số địa phương, nhằm đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Thi công khu vực mở rộng lối vào đường Pháp Vân. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.
Qua kiểm tra cho thấy, tiến độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, vẫn còn 35 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó 18 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Có 5 bộ, ngành và 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60%. Khối các bộ, ngành Trung ương có: Hội Nhà văn giải ngân đạt hơn 83%; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt hơn 79%; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt hơn 74% và Bộ Quốc phòng đạt hơn 62%. Các địa phương giải ngân đạt cao gồm: Hải Dương đạt hơn 79%; Phú Yên và Ninh Bình đạt hơn 74%.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, ước thanh toán vốn đầu tư công đạt trên 134.494 tỷ đồng, đạt hơn 32% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt hơn 35% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đánh giá Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt hơn 37% kế hoạch Quốc hội và hơn 38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trước thực tế này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng giải ngân vốn chậm.
“Giải ngân vốn chậm có nhiều nguyên nhân như: Việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, chậm trong thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, điều chỉnh phân bổ vốn chậm… Bên cạnh đó, còn có sự chủ quan từ phía các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Thậm chí, có tình trạng dồn vào giải ngân cuối năm, gây khó khăn cho Kho bạc Nhà nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo chậm tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt, có chế tài mạnh hơn đối với các nghịch lý này", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích.
Để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 được giao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân. Bộ đề nghị xử lý triệt để các nguyên nhân gây chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư để tạo điều kiện cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Các chủ đầu tư dự án cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, hoàn thiện thủ tục giải ngân kế hoạch vốn giao.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng giải ngân vốn, Bộ Tài chính cũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chế tài nghiêm khắc đối với các bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định về chế độ báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, đối với 10 bộ, ngành và 10 địa phương còn kế hoạch vốn năm 2019 chưa giao, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương rà soát. Sau ngày 28-7, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa đề xuất phương án điều chỉnh phân bổ, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm thu hồi toàn bộ kế hoạch. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội.
Tại kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đầu tư công tăng chậm đang làm mất đi một động lực cho tăng trưởng ngắn hạn. Tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công như một “điểm yếu hiện nay”, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, khắc phục tình trạng này.
Nguồn Báo Tin Tức