Theo dõi Báo Tây Ninh trên
"Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam sẽ giúp hoạt động báo chí thêm nhiều chuyển biến tích cực", là khẳng định của ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam với phóng viên TTXVN ngay sau khi Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được công bố.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, nhà báo cần phải góp phần tạo cách nhìn, suy nghĩ tích cực; không nên đăng tin kích động, lôi kéo gây tác hại trong dư luận xã hội để người dân hiểu không đúng, hành động không đúng...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Hội Nhà báo Việt Nam có kỳ vọng gì sau khi công bố Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, thưa ông?
Sau khi bản Quy tắc này được công bố, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, từng nhà báo sẽ học tập, quán triệt, hiểu một cách sâu sắc những điều cần làm cũng như không được làm khi tham gia mạng xã hội, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội.
Tôi tin từ việc ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đến việc cụ thể hóa nội dung thứ 5 ở Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, các nhà báo sẽ hiểu sâu sắc hơn về đạo đức nhà báo, các cơ quan báo chí sẽ quản lý phóng viên, hội viên của mình tốt hơn và chắc chắn sẽ có thêm những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí.
Trong số những quy tắc đó, điều nào ông tâm đắc nhất?
Điều nào của Quy tắc tôi cũng tâm đắc. Trong phần những việc/điều nhà báo cần làm khi tham gia mạng xã hội, tôi tâm đắc nhất là việc/điều “Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm”.
Bởi có những thời điểm thông tin gây hoang mang, băn khoăn, lo lắng trong dư luận xã hội, người ta không biết đâu là thật, đâu là giả, nên hiểu vấn đề này là như thế nào. Đó là lúc nhà báo cần kịp thời lên tiếng với trách nhiệm, đăng tải ý kiến một cách đúng mực, có văn hóa để giúp dư luận xã hội có thông tin đáng tin cậy, hiểu đúng vấn đề, có thái độ xử lý phù hợp hơn.
Còn ở những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội, đầu tiên tôi thấy tâm đắc là việc/điều không “đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác”. Điều này các nhà báo nên tuyệt đối tránh vì nó vừa vi phạm luật pháp, vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai là chúng ta không “bình luận, nhận xét, chia sẻ thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận của xã hội”. Nhà báo cần góp phần tạo cách nhìn, suy nghĩ tích cực về vấn đề đó; không nên đăng tin kích động, lôi kéo gây tác hại trong dư luận xã hội để người dân hiểu không đúng, hành động không đúng.
Trong những điều không được làm trên mạng xã hội còn có hiện tượng phát tán hoặc bình luận, cổ súy “thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước, gây tổn hại thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân…”. Với thông tin kích động, mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực… nhà báo dứt khoát không thể làm - đây cũng là điều tôi khá tâm đắc.
Theo ông, đâu là mấu chốt của bản quy tắc?
Bản quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là để cụ thể hóa điều 5 trong 10 điều quy định về đạo đức người làm báo. Trong đó, quy định những điều người làm báo được làm, không được làm khi tham gia mạng xã hội. Tôi nghĩ 4 điều trong phần những việc người làm báo cần làm là những việc quan trọng.
Nhà báo có trách nhiệm lớn trong việc cung cấp, định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận xã hội. Ý kiến của các nhà báo khác hẳn ý kiến của những người dân bình thường khi tham gia mạng xã hội. Cho nên trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo không chỉ ở trên những ấn phẩm chính thức nơi mình công tác, mà còn ở trên mạng xã hội khi chúng ta tham gia nó. Đấy chính là đạo đức của người làm báo.
Đối với 8 điều mà nhà báo không được làm khi tham gia mạng xã hội, tôi nghĩ đấy là những điều cảnh báo, răn đe để nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội phải tránh. Với vai trò dẫn dắt mạng xã hội, một ý kiến, hành vi của nhà báo đưa ra trên mạng xã hội mà sai, không chuẩn mực, sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng, dư luận xã hội.
Cho nên 4 điều cần làm và 8 điều không được làm là những điều quan trọng mà từng nhà báo, hội viên hội nhà báo phải thấm nhuần, làm tốt để ngăn ngừa những việc làm không tốt, từ đó những điều tích cực cũng được lan tỏa.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, theo ông, như vậy có quá nhiều quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với nhà báo không?
Mạng xã hội đang trở thành một thứ thiết yếu đối với đời sống của chúng ta. Không ai có thể phủ nhận những tiện ích, cơ hội nó mang lại cho đất nước, đời sống và từng con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với đặc thù tính liên kết, tính lan tỏa và không được kiểm soát của mạng xã hội, thì những thông tin tích cực và cả những thông tin xấu, độc cũng lan tỏa với tốc độ khó kiểm soát. Chính vì thế, việc Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là bước tiến đầu tiên và nếu làm tốt sẽ tạo bước đi tích cực cho mạng xã hội.
Tôi biết hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì một cuộc thảo luận lớn để xây dựng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người dân. Việc làm hôm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng góp phần vào công việc chung đó. Từng người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tham gia mạng xã hội một cách tích cực cũng là tham gia vào việc phát huy tiện ích của mạng xã hội, ngăn chặn việc làm, thông tin không tốt, gây tổn hại cho xã hội trên mạng xã hội.
Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Như vậy, bộ quy tắc này là bước cụ thể hóa những quy định đó?
10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam bao quát toàn bộ những vấn đề liên quan đến đạo đức khi các nhà báo hành nghề. Bản quy tắc này cụ thể hóa điều 5 trong 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nó là sự phát triển, cụ thể hóa và để người làm báo dễ hiểu, dễ thực hiện; để cơ quan quản lý báo chí, hội nhà báo các cấp dễ quản lý hơn mọi hoạt động của phóng viên, hội viên của mình. Thực hiện Quy tắc sử dụng Mạng xã hội này chính là chúng ta đang thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Việc tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện những quy tắc này như thế nào, thưa ông?
Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí trong cả nước tổ chức thực hiện những quy tắc này. Trên cơ sở Quy tắc, căn cứ đặc thù, các cơ quan báo chí xây dựng quy tắc riêng để điều chỉnh hành vi người làm báo thuộc cơ quan mình khi sử dụng mạng xã hội.
Trước hết, sẽ có một đợt học tập trong toàn bộ cấp Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí về nội dung của bản quy tắc này. Khi đi vào thực hiện, người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm. Bên cạnh đó, cũng có một hệ thống hội đồng xử lý vi phạm từ cơ sở đến Trung ương phát hiện, cổ vũ, động viên những tập thể và cá nhân thực hiện tốt; phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm.
Vậy là sẽ có thêm một bộ phận chuyên làm việc giám sát thực hiện các quy tắc?
Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, có tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, với gần 300 tổ chức hội trực thuộc, trong đó có 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố. Đây chính là hệ thống của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát này. Hơn nữa, từng cấp Hội đều thành lập hội đồng xử lý vi phạm có trách nhiệm giám sát trực tiếp việc thực hiện quy tắc của hội viên, nhà báo trên mạng xã hội. Thậm chí, bản thân các nhà báo cũng làm được nhiệm vụ giám sát, nhắc nhở nhau làm việc tốt, tránh việc làm không tốt trên mạng xã hội.
Liên quan đến việc đề cao đạo đức người làm báo, sau khi công bố bộ quy tắc này, Hội Nhà báo Việt Nam có kế hoạch triển khai tiếp hoạt động gì không, thưa ông?
Trước mắt chúng ta hãy cứ làm tốt bản quy tắc này cùng với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
1. Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật.
2. Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác.
3. Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.
4. Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội.
5. Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền.
6. Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc.
7. Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội.
8. Sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang mạng xã hội khi chưa được phép.
Nguồn TTXVN