Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quyết liệt bảo vệ môi trường trước các nguy cơ, thách thức
Thứ bảy: 11:53 ngày 08/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đối mặt với không ít thách thức về môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Một dòng kênh đầy rác thải ở huyện Gò Dầu (ảnh minh hoạ)

Nhiều thách thức về môi trường

Cụ thể, về vấn đề biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan của thời tiết như bão lũ, áp thấp nhiệt đới, nhiệt độ tăng cao… sẽ xảy ra thường xuyên với tần suất lớn hơn, kéo theo hiện tượng hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng hằng năm, gây cháy rừng. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất và khai thác nước bất hợp lý đang đe doạ gây cạn kiệt và ô nhiễm nước ngầm. Môi trường đất có xu thế thoái hoá cằn cỗi, bạc màu do xói mòn, rửa trôi, mất chất hữu cơ, khô hạn, ngập úng, lũ, sử dụng không hợp lý.

Đối với môi trường nước mặt: Nhìn chung, chất lượng nước mặt của tỉnh được đánh giá còn ở mức trung bình, nhất là có chiều hướng giảm hàm lượng các chất ô nhiễm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, với lượng nước thải ngày càng gia tăng cả về lưu lượng thải và đa dạng về thành phần chất thải từ các nguồn gây ô nhiễm là vấn đề đáng lo ngại.

Về môi trường nước ngầm: mực nước dưới đất có dấu hiệu suy giảm do các nguyên nhân của biến đổi khí hậu cũng như khai thác nước thiếu kiểm soát. Chất lượng nước dưới đất một số nơi có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ. Các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp (ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tại các khu sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả tập trung), chôn lấp rác thải tại các bãi chôn lấp dưới tác động của nước mưa chảy tràn, rò rỉ, thẩm thấu dẫn đến suy giảm chất lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước.

Về môi trường không khí: khi dân số tăng làm gia tăng các phát thải. Việc gia tăng số lượng các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản, chăn nuôi, các nút giao thông trọng điểm tại thị trấn các huyện, thành phố, khu vực làng nghề… mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tác động đến môi trường không khí.

Trong khi đó, môi trường đất bị ô nhiễm chủ yếu do các chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt. Đến nay, môi trường đất trong tỉnh nhìn chung vẫn còn tốt. Chất thải rắn, chất thải nguy hại và chất thải y tế được quản lý tốt hơn thông qua các hoạt động kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và đầu tư các công trình xử lý chất thải đạt quy định về môi trường.

 Về xử lý nước thải đô thị, toàn tỉnh có 1 đô thị đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỉnh phấn đấu trong vài năm tới, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 77,78%. Chất thải nguy hại từ công nghiệp và y tế được phân loại, thu gom và xử lý triệt để.

Sẽ gia tăng thách thức

Trong giai đoạn 2016-2020, các thách thức trong bảo vệ môi trường ở Tây Ninh là chưa nhiều và với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, các chỉ tiêu môi trường đạt được trong năm 2020 khá cao. Tuy nhiên, thời gian tới, các thách thức về môi trường sẽ cao hơn, tập trung vào các thách thức sau: Thách thức về quản lý môi trường, nguồn nước sạch, ô nhiễm môi trường, về bảo vệ đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu.

Hiện nay, công tác quản lý môi trường ở Tây Ninh ngày càng chặt chẽ, chỉ số quản lý môi trường ở mức cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, mức độ ô nhiễm cùng với vấn đề thiếu hụt nước sạch sẽ tăng nhiều do sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp, hiện đại hoá, đô thị hoá, tăng trưởng cơ học về dân số, di dân. Với tình hình như hiện nay sẽ rất khó khăn nếu không quyết liệt hơn ở công tác quản lý môi trường. Bên cạnh đó, đặc thù quản lý môi trường thiếu hụt nhân sự và công tác quản lý cấp cơ sở, do đó, thách thức này sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai.

Việc xây dựng, phát triển các khu đô thị, cụm dân cư nông thôn cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ao, hồ, sông, kênh mương tiếp nhận. Lưu lượng nước thải sinh hoạt đô thị lớn của thành phố, thị trấn, thị xã mang theo hàm lượng các chất ô nhiễm chất rắn lơ lửng (TSS), chất hữu cơ (BOD5, COD, dầu mỡ động thực vật), dinh dưỡng N và P, vi sinh vật... đang ngày càng gia tăng và chưa có hệ thống thu gom, xử lý kịp thời, triệt để. Nước ngầm bị ảnh hưởng do khai thác quá mức sẽ làm suy giảm mực nước dưới đất gây ra sụt lún mặt đất, sạt lở công trình trên mặt, gây thiếu nước sử dụng. Việc khai thác nước ngầm ở tầng nông có thể dẫn tới nguy cơ nhiễm bẩn nguồn nước từ trên bề mặt.

Hiện nay, một số cơ sở sản xuất nhỏ, hộ cá thể có ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường và công nghệ sản xuất lạc hậu nằm trong khu dân cư gây thách thức đối với môi trường.

Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên quý giá đang bị đe doạ là một thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Trong tương lai, biến đổi khí hậu thay đổi càng nhiều, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra càng phức tạp hơn, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và dẫn đến các thách thức càng lớn như xâm nhập mặn, hạn hán, lụt lội, mưa nhiều, giông lốc… Hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, áp thấp nhiệt đới, nhiệt độ tăng cao… dự báo sẽ xảy ra thường xuyên với tần suất lớn hơn, mức độ mạnh hơn kéo theo hiện tượng hạn hán kéo dài xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng, tiến độ trồng rừng hằng năm, gây cháy rừng, sâu bệnh phát triển mạnh gây hại cây giống trong vườn ươm và rừng trồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất. 

Thể chế, chính sách "còn một số vấn đề”

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hệ thống các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, từng bước tạo lập hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thể chế, chính sách vẫn tồn tại một số vấn đề như: chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp thực thi các biện pháp xử lý môi trường tại đơn vị. Một trong những yếu tố cần quan tâm nhất hiện nay trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là mức độ răn đe của hình thức xử phạt bằng tiền chưa cao nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa tương xứng tính chất, mức độ hậu quả vi phạm. Vì vậy, chưa tác động sâu sắc đến tâm lý của đông đảo cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Đồng thời, trong quá trình vận dụng, thể chế chính sách, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra nhanh, tạo áp lực lớn đến công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tuy được tăng cường nhưng có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Ở cấp tỉnh, mặc dù tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường đã được thành lập và hoạt động từ giai đoạn trước nhưng nguồn nhân lực vẫn thiếu về số lượng, đặc biệt đối với những lĩnh vực như an toàn sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học, kinh tế môi trường… Đối với cấp huyện, trung bình hiện nay chỉ có 2 - 4 cán bộ chuyên trách về tài nguyên và môi trường, còn ở cấp xã đa số xã chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường. Đa số các xã, phường, thị trấn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường cho cán bộ địa chính kiêm nhiệm. Lực lượng cán bộ chuyên môn môi trường tại các doanh nghiệp tuy được bổ sung, phát triển nhưng nhìn chung còn yếu và thiếu.

An Khang

Tin cùng chuyên mục