Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tính đến năm 2023, Tây Ninh đã tổ chức được 13 hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật. Hiện nay, hội thi được tổ chức 2 năm/lần, từ đây, đã có những phát minh, sáng kiến, chế tạo đến từ nhiều tầng lớp nhân dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật lần thứ 13 năm 2022 - 2023 tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Tâm Giang)
Những đề tài khoa học gắn liền với đời sống
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên Hiệp hội)- cơ quan thường trực của Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh, những năm qua, đã có rất nhiều giải pháp đạt giải có hiệu quả ứng dụng cao ở nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin (Phần mềm họp không giấy, Hệ thống hỗ trợ học và đánh giá kiến thức toán cấp THPT qua môi trường internet); cơ khí (Biện pháp súc rửa đường ống truyền tải và phân phối tại Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh, Máy gắp mía thuỷ lực xoay 3600); y dược (Nghiên cứu, áp dụng phương pháp GINA-2002 trong điều trị bệnh hen phế quản ở Tây Ninh, Nghiên cứu áp dụng máy thở áp lực dương không xâm nhập trong điều trị suy hô hấp cấp tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh); nông lâm thuỷ sản (Hệ thống thuỷ canh hồi lưu sử dụng phân tan chậm, Kỹ thuật nuôi dế khép kín không ô nhiễm môi trường; giáo dục đào tạo (Biện pháp phát triển vốn từ tượng hình cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông qua hoạt động làm quen với truyện cổ dân gian Việt Nam tại một số trường mầm non tỉnh Tây Ninh, Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm)...
Có thể nói, những đề tài khoa học, sáng kiến kỹ thuật không chỉ được sự công nhận của các ban, ngành mà quan trọng hơn hết, còn mang lại hiệu quả thiết thực đóng góp vào trong đời sống xã hội. Những nghiên cứu, sáng tạo đó có thể đến từ người nông dân- như anh Huỳnh Văn Tiếp, ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu. Ở chỗ của anh, mỗi vụ lúa đến kỳ thu hoạch, nông dân phải dùng ghe xuồng để vận chuyển. Ngoài việc nhà, anh Tiếp và nhiều anh em trong xóm lập đội đi bốc vác lúa cho các thương lái. Công việc nặng nhọc, nhưng mọi người đều cố gắng làm để có thêm thu nhập. Cách đây 3 năm, anh Tiếp nghĩ đến việc thiết kế một thiết bị hỗ trợ anh em trong việc vận chuyển lúa. Dù chưa từng làm qua nghề cơ khí, nhưng bằng sự sáng tạo và tự học hỏi, anh Tiếp đã chế tạo thành công hệ thống băng tải chuyển lúa. Thiết kế có cấu trúc đơn giản, nhưng khả năng vận chuyển với công suất lên đến trên 100 tấn lúa/ngày.
“Trước đây, anh em phải bốc vác nặng lắm, bây giờ có máy, chỉ cần đưa lúa từ bờ ra ghe, giảm được một phần công sức của anh em, lại nhanh hơn nữa. Lúc làm, tôi cũng chỉ nghĩ để phục vụ cho công việc, anh em nhẹ nhàng hơn, nhưng được Hội Nông dân của xã hướng dẫn, làm đề tài dự thi, tôi được tỉnh khen thưởng, thật sự rất vui, rất vinh dự”- anh Huỳnh Văn Tiếp chia sẻ.
Những năm qua, cô Nguyễn Thị Thuỳ Dương- Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT IGC Tây Ninh luôn trăn trở làm thế nào để cách thức giảng dạy phù hợp với học sinh, giáo viên và định hướng chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Theo đó, công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học, giáo dục STEAM (một mở rộng của giáo dục STEM: phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là lĩnh vực được đề cập trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng Chương trình STEAM hiện hành chưa lồng ghép kiến thức bài học; giáo viên chưa được hướng dẫn cách tổ chức liên môn trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, để bảo đảm mục tiêu chương trình giáo dục, cô Thuỳ Dương đã nghiên cứu thực hiện giải pháp “Phát triển năng lực học sinh tiểu học qua dạy học theo định hướng STEAM”.
“Đối với các đơn vị trường học ngoài công lập đang thực hiện giảng dạy STEM trải nghiệm, các trường phải mua chương trình rồi mở lớp đào tạo giáo viên. Như vậy, thời lượng số tiết trong tuần tăng thêm cho các tiết học này; phụ huynh cũng sẽ tốn nhiều chi phí mua vật liệu. Đề tài của chúng tôi dùng STEAM làm phương thức tiếp cận nhằm tạo ra một lộ trình học tập toàn diện cho học sinh cấp tiểu học. Với khả năng tích hợp này và hình thức trải nghiệm qua thao tác hoàn thành sản phẩm giúp giảm áp lực về thời lượng học tập kiến thức; tăng thời gian thực hành và rèn luyện các kỹ năng, phát triển năng lực toàn diện theo chiều sâu cho học sinh cấp tiểu học”- cô Thuỳ Dương cho biết.
Ươm mầm các đề tài trong khởi nghiệp
Qua các hội nghị cũng như kiểm tra thực tế tại các địa phương, đơn vị, có thể thấy một số giải pháp đã đạt được hiệu quả ứng dụng thiết thực: các giải pháp thuộc lĩnh vực nông lâm thuỷ sản đã góp phần nâng cao trình độ áp dụng khoa học của nông dân vào sản xuất nông nghiệp, làm tăng năng suất, chất lượng chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi giá trị; các giải pháp trong lĩnh vực cơ khí đã góp phần cơ giới hoá nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là phục vụ cho các cây trồng chủ lực như mía, mì, cao su, lúa, mãng cầu…; giải pháp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số; giải pháp lĩnh vực y tế được áp dụng đã nâng cao chất lượng khám và điều trị cho tuyến cơ sở; các giải pháp được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục đã góp phần đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng thực hành trong hệ thống trường học trên địa bàn…
Thời gian qua, nhiều giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh đã tiếp tục được triển khai ứng dụng và đạt giải ở những cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp như “Máy trồng mì” (Phạm Văn Hùng - Tân Châu) đã đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp miền Đông Nam bộ; “Mô hình nuôi cà cuống theo hệ thống tuần hoàn” được gia đình anh Nguyễn Hữu Đức - Hoàng Thị Hương (xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và đã đạt giải Ba cấp vùng (Nam bộ), giải Khuyến khích chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài năng bản địa” năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Quyên- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhằm tìm kiếm, lựa chọn, tôn vinh và ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng tại địa phương, vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức và công nhận kết quả cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh năm 2022-2023” cho 4/20 ý tưởng, dự án tham gia.
“Để hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong giai đoạn phát triển, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ xây dựng được sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa nội dung hỗ trợ này vào trong Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo năm 2024; tiếp tục phối hợp với các viện trường, đơn vị, sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động, các khoá đào tạo, huấn luyện về phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tổ chức kết nối, hỗ trợ các ý tưởng, dự án có sản phẩm tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp với các địa phương khác như thông qua Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cấp tỉnh/huyện trên địa bàn tỉnh; sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Techfest vùng do bộ, ngành, địa phương tổ chức”- bà Nguyễn Thị Kim Quyên cho biết.
Khải Tường