Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có thời gian, các doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu tinh bột mì sang thị trường Trung Quốc do chính phủ nước này ban hành nhiều quy định chặt chẽ, từ việc truy xuất nguồn gốc đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tinh bột mì chế biến thành phẩm đã được vô bao bì có nhãn hiệu tại một nhà máy sản xuất tinh bột mì ở huyện Dương Minh Châu.
Một doanh nghiệp sản xuất tinh bột khoai mì đóng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, khi chính phủ nước này ban hành tiêu chí về tinh bột nhập khẩu như xuất xứ hàng hoá, mã vạch, nguồn gốc nguyên liệu… Dù khó, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải thay đổi theo yêu cầu của đối tác.
Vì vậy, hiện nay, gần như các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột khoai mì đều tự đầu tư thiết bị, máy móc, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, ghi rõ nguồn gốc nguyên liệu… nhằm bảo đảm hồ sơ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đúng theo yêu cầu của phía đối tác.
Một doanh nghiệp chế biến binh bột mì trên địa bàn xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành cho biết, dù không trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng theo yêu cầu của đối tác trung gian, doanh nghiệp vẫn phải đầu tư, sửa chữa lại máy móc để sản xuất tinh bột bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường hơn một tỷ dân này.
Tinh bột mì được vào bao bì tại nhà máy sản xuất tinh bột mì ở huyện Châu Thành (ảnh minh họa)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mới đây, Sở cùng các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm và bao bì đóng gói của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2022.
Đoàn kiểm tra làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.
Theo đó, đối với hồ sơ truy xuất nguồn gốc, qua kiểm tra 33/33 doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì trên địa bàn tỉnh có nguyên liệu củ mì tươi với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có địa chỉ cụ thể trong và ngoài tỉnh, có chứng từ hợp đồng, hoá đơn.
Về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến mì, có 32/33 doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì chấp hành tốt các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người, hồ sơ pháp lý có liên quan. Riêng một doanh nghiệp có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.
Song song đó, qua kiểm tra về nhãn hàng hoá, bao bì đóng gói, có 31/33 cơ sở sản xuất thực hiện việc ghi nhãn hàng hoá, bao bì theo quy định; 2 doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá chưa đúng quy định.
Ngoài số ít doanh nghiệp chưa bảo đảm các tiêu chuẩn như trên, việc kiểm tra về công bố chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì thực hiện tốt quy định về công bố chất lượng sản phẩm. Tương tự về chất lượng sản phẩm, đoàn kiểm tra đã lấy 14 mẫu tinh bột mì kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hoá, lý, độc tố vi nấm. Kết quả 14/14 mẫu đạt yêu cầu về chất lượng so với chỉ tiêu công bố và tiêu chuẩn Việt Nam.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì trên địa bàn thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý, cấp giấy chứng nhận. Tăng cường công tác truyền thông, tập huấn và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm nâng cao nhận thức về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì trên địa bàn.
Để tinh bột mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nguyên liệu khoai mì đưa vào chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ (ảnh minh họa)
Riêng Thanh tra Sở NN&PTNT chuyển hồ sơ các trường hợp vi phạm (nếu có) thuộc ngành Công Thương quản lý đến Sở Công Thương để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất khoai mì, xây dựng vùng trồng an toàn dịch bệnh, nghiên cứu quy trình sản xuất phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất cây khoai mì đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy.
Bên cạnh đó, Phòng Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tiếp tục theo dõi kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP và bao bì đóng gói của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2023.
Tuy nhiên quan trọng nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mì trên địa bàn tỉnh cần chú trọng hơn nữa việc chấp hành và tuân thủ nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khâu của quá trình sản xuất, chế biến mì.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xét về chủng loại mặt hàng, tinh bột khoai mì chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 80,5% tổng trị giá khoai mì và các sản phẩm khoai mì xuất khẩu của cả nước. Nhóm mì lát khô chiếm 19,5% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng khoai mì.
Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2022, Trung Quốc đã mua 1,95 triệu tấn khoai mì lát khô và tinh bột khoai mì của Việt Nam, chiếm tới 93% trong tổng khối lượng xuất khẩu khoai mì của nước ta. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng khoai mì và ngô để sản xuất xăng sinh học (ethanol), khiến nhu cầu nhập khẩu khoai mì của nước này tăng cao.
Ngoài sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khoai mì lát và tinh bột khoai mì để làm thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ hai xuất khẩu các sản phẩm khoai mì vào Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu khoai mì lát của Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp khoai mì lát lớn nhất cho Trung Quốc. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khoai mì lát của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 108,7 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Với mặt hàng tinh bột khoai mì, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,02 triệu tấn tinh bột khoai mì, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 31,3% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột khoai mì cho Trung Quốc với 744.320 tấn, trị giá 379,67 triệu USD, tăng 228,6% về lượng và tăng 270% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
(Theo vneconomy)
Tấn Hưng