Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự
Sao lại bỏ “trồng người”, bỏ cả “tiên học lễ…”?
Chủ nhật: 23:07 ngày 28/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được nêu cao trong nhà trường đã xác định quan điểm, nguyên tắc giáo dục của nhà trường ta, cũng như toàn xã hội ta là dạy lễ phép, tức là giáo dục đạo đức phải đi trước một bước.

Hơn một tuần nay, trên các báo điện tử lẫn các mạng xã hội rộ lên câu chuyện một vị giáo sư phát biểu tại cuộc hội thảo khoa học có chủ đề “Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo”.

Vị giáo sư ấy nói rằng: “Để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” (ngoan theo nghĩa “dễ bảo, vâng lời”, giỏi theo nghĩa “thuộc bài”).

Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”. Tại sao phải bỏ câu khẩu hiệu nằm lòng biết bao năm của biết bao thế hệ thầy và trò ở nước ta? Vị giáo sư này nhấn mạnh: “Chừng nào còn đề cao chữ “lễ” để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”.

Bàn Dân đọc phải mấy nội dung nêu trên mà cảm thấy tâm thần dã dượi, tư tưởng hoang mang, hết sức hoang mang thật sự.

Đối với dân tộc ta, phải nói rằng quan niệm “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây/ Vì sự nghiệp trăm năm trồng người” đã ăn sâu bám rễ vào tinh thần, văn hoá dân tộc rất lâu đời. Dù biết rằng xuất xứ của quan niệm này là từ nền Nho học cổ xưa của phương Đông.

Nhưng khi nó đã lưu truyền, thâm nhập vào đời sống xã hội nước ta, đã được Việt hoá và tạo thành bản sắc riêng. Và cho đến khi nó được nhà cách mạng kiệt xuất, danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh nâng tầm lên thành tư tưởng của Người thì toàn dân ta càng thấm nhuần đạo lý “trồng người” để vận dụng vào việc giáo dục, đào tạo con người Việt Nam với phẩm chất nhân văn đặc sắc, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí độc lập dân tộc không gì lay chuyển nổi.

Phẩm chất đó đã thể hiện thành sức mạnh vô địch để chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước; cả đến công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội nước ta trong giai đoạn hiện nay. Ấy thế mà cái sự nghiệp “trồng người” ấy lại gần như bị phủ định bởi một vị giáo sư có tiếng tăm, khá uy tín trong nước ta. Đúng là khó hiểu thật (?!).

Rồi đến câu khẩu hiệu, thực chất là một câu tục ngữ lưu truyền trong nền văn học dân gian nước ta từ ngàn xưa là câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Lễ” ở đây là “lễ nghĩa”, “lễ phép” trong giao tiếp ứng xử các mối quan hệ xã hội, thể hiện bản sắc đạo đức của dân tộc ta.

Còn “Văn” ở đây là kiến thức văn hoá mà người đi học được người dạy học truyền thụ cho. Trong đó, quan hệ giữa người dạy và người học là đạo thầy - trò rất tôn nghiêm, mà thời xưa còn được đề cao hơn cả quan hệ cha - con nữa.

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được nêu cao trong nhà trường đã xác định quan điểm, nguyên tắc giáo dục của nhà trường ta, cũng như toàn xã hội ta là dạy lễ phép, tức là giáo dục đạo đức phải đi trước một bước. Và người dẫn dắt bước đi đầu tiên ấy chính là người thầy.

Ý nghĩa của sự học trước, học sau (tiên học, hậu học) đã được khẳng định trong cuộc sống xã hội ta như một quy tắc để giáo dục con người Việt Nam qua mọi thời đại. Ấy vậy mà vị giáo sư kia, một người dạy học ở bậc học cao trong nước ta lại lớn tiếng bài xích, dưới chiêu bài là để “khai mở tư duy phản biện”, “giải phóng sức sáng tạo”.

Còn đối với người thầy thì ông bảo không cần phải “tôn sư nữa! Ôi trời, Bàn Dân không thể hiểu nổi, tại sao sự đạp đổ các giá trị giáo dục từ cổ chí kim của dân tộc lại được khoác cho lớp vỏ hào nhoáng của sự “khai mở”, sự “giải phóng” đối với các cái gọi là “phản biện”, “sáng tạo” gì gì đó?!

Biết được cuộc hội thảo kể trên do một Uỷ ban của Quốc hội đồng tổ chức, đã xảy ra việc phát ngôn gây sốc của vị giáo sư nọ, Bàn Dân hỏi ý kiến một vị đại biểu trẻ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta:

-Theo đại biểu, ý kiến của vị giáo sư nọ đối với các quan niệm về “trồng người”, “tiên học lễ, hậu học văn” cổ xưa ấy phải được hiểu như thế nào? Nhất là đối với những người trẻ, từng đi học và từng đi dạy như quý đại biểu?

Và xin mượn câu trả lời của vị đại biểu Quốc hội để thay lời kết bài báo này:

-Theo quan điểm của tôi, không phải cái gì cũ là lạc hậu. Tôi cho rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn rất đúng và cần phát huy hơn nữa trong sự phát triển và hội nhập hiện nay. Không thể cho rằng “lễ” ở đây là khuôn phép gò bó, là sự phục tùng theo quan điểm Nho gia.

Mà với nước ta, “lễ” ở đây được hiểu rộng là lễ nghĩa, là đạo đức, là nhân cách của con người mà rộng hơn nữa là “văn hoá” của một quốc gia. “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn luôn là quan điểm giáo dục, là phương châm học và rèn của mỗi học trò, kể cả trong xã hội hiện đại”.

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh