Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian gần đây, phong trào chinh phục đỉnh núi Bà Ðen đang ngày càng thu hút các bạn trẻ, bởi trên núi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời, nhiều hang động kỳ bí và còn là điểm “săn mây” lý tưởng. Tuy nhiên, nếu khắc phục một số hạn chế không đáng, điểm du lịch này sẽ ngày càng hấp dẫn hơn.
Một nhóm phượt chinh phục đỉnh núi Bà Ðen.
Núi Bà Ðen cao 986m (so với mực nước biển)- cao nhất Ðông Nam bộ, là một trong những biểu tượng của du lịch Tây Ninh. Thời gian gần đây, phong trào chinh phục đỉnh núi Bà Ðen đang ngày càng thu hút các bạn trẻ, bởi trên núi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời, nhiều hang động kỳ bí và còn là điểm “săn mây” lý tưởng. Tuy nhiên, nếu khắc phục một số hạn chế không đáng, điểm du lịch này sẽ ngày càng hấp dẫn hơn.
Thiếu chỗ chứa rác
Chúng tôi chọn xuất phát điểm là quán nước của cô Năm Sơ ri, men theo con đường mòn lần tới các trụ điện (mọi người thường gọi là đường cột điện). Ðây là cung đường khá dễ đi, nhưng mất nhiều thời gian, vì phải vòng theo sườn núi. Thông thường, có thể mất khoảng từ 4-5 giờ để đi tới đỉnh.
Dọc đường lên đỉnh núi, đi khoảng 300m, chúng tôi thấy nhiều chai nhựa, túi nylon, giấy vụn… rải khắp nơi. Càng lên cao, rác càng nhiều, có chỗ chất thành từng đống và bốc mùi hôi thối. Từ những gốc chuối, hốc đá, bụi cỏ đến những gốc cây to, nơi đâu cũng có rác. Ðến con suối duy nhất chảy dài từ trên xuống cũng “vướng víu” chai nhựa, túi nylon. Tại khu vực miếu Ông Hổ cũng có một bãi rác to, hầu hết là chai nhựa, túi nylon, vỏ hộp bánh, sữa… ruồi nhặng và kiến bu đầy.
Ðiều đáng nói là suốt chặng đường lên đỉnh núi có rất nhiều bảng treo “Ðừng đổ rác”, “Cấm lửa”, “Ba lô trên vai, mang rác trở về”, “Mang thức ăn lên, nhớ mang rác xuống”… được treo trên các thân cây và cột điện, nhưng đều “vô tác dụng”.
Bảng cấm ở đâu, rác nằm ngay cạnh đó, thậm chí có nơi chai nhựa được “mắc” ngay trên bảng “cấm chặt, phá rừng” do Kiểm lâm gắn trên thân cây. Khu vực sân bay trên đỉnh núi cũng là nơi vứt vỏ lon bia, chai nhựa, chai thuỷ tinh, hộp nhựa, hộp xốp, vỉ nướng… trông mất mỹ quan.
Khó chịu trước cảnh này, các thành viên trong nhóm chúng tôi tự nhặt nhạnh từng chai nhựa, túi nylon, vỏ lon nằm rải rác gom lại thành từng đống trong suốt chặng đường.
“Gom những vỏ lon, chai nhựa này lại, để đúng nơi, đúng chỗ dù sao cũng sạch sẽ, an toàn hơn cho những người leo núi”- chị Nam- một thành viên vừa nhặt rác vừa nói.
Thanh thiếu niên tạo dáng trên cầu chụp ảnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con đường lên đỉnh núi, đã nhiều năm qua, hầu như không có bất kỳ nguồn nhân lực nào đi dọn rác. Thỉnh thoảng mới có vài nhóm phượt tự tổ chức làm việc này.
Gần đây, vào cuối tháng 2.2017, các bạn sinh viên và các nhóm phượt đã tình nguyện mở “Chiến dịch ngưng xả rác” trên đoạn đường lên núi này, ngay trong đợt xuất quân đầu tiên, nhóm đã thu gom hơn 150kg rác. Tuy nhiên, hoạt động này không có điều kiện tổ chức thường xuyên, nên rác lại phát sinh.
Du lịch “nguy hiểm” tại Ma Thiên Lãnh
Ma Thiên Lãnh- nằm trong khu vực núi Bà Ðen (thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh), là nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp hoang dã. Ðây là điểm có tiềm năng du lịch, nhưng chưa được phát triển.
Tuy vậy, từ lâu, Ma Thiên Lãnh đã thu hút nhiều người đến tham quan, thưởng thức phong cảnh rừng núi, nhất là những dịp lễ, tết. Trong những ngày lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, Ma Thiên Lãnh cùng suối Vàng là điểm đến của nhiều người dân Tây Ninh và du khách ngoài tỉnh.
Ðể vào khu suối Vàng, mọi người phải đi qua hai cây cầu bắc qua suối khá đơn sơ và không bảo đảm an toàn, bởi một cây được làm bằng một tấm vỉ sắt (chiều ngang chừng 2m, chiều dài chừng 5 - 6m), còn một cây là những thanh gỗ bắc ngang hai trụ bê tông, phía dưới có 3 cây gỗ chống lên để chịu lực.
Những người quản lý nơi đây đã giăng sợi dây qua hai đầu cầu, trên đó có gắn 2 bảng gỗ ghi dòng chữ “Không tụ tập đông đúc trên cầu, nhún nhảy. Cám ơn” và “Khoảng cách an toàn giữa hai xe là 5m”.
Sau khi qua cầu chừng 15 - 20m có một bãi đậu xe mô tô. Những người quản lý khu vực này có ý tưởng khá độc đáo khi tạo một số vật cảnh làm biểu trưng để khách chụp hình lưu niệm như chiếc thuyền chất đầy trái cây, băng ghế cây phía trên có cây đàn guitar...
Trời khá nắng nên nhiều gia đình đã không ngần ngại dẫn trẻ em xuống suối “vọc nước”. Cũng có phụ huynh đưa các cháu lên những sợi dây rừng để đung đưa, trong khi phía dưới là nước và đá... Tuy nhiên, một số sinh hoạt vui chơi của du khách khi đến đây không có dụng cụ bảo hộ nên không bảo đảm an toàn, có chỗ còn có nguy cơ gây nguy hiểm đến du khách.
Chai nhựa phế thải cũng được “mắc” ngay trên bảng “cấm chặt, phá rừng”.
Thực tế, việc tổ chức cho du khách đến tham quan nơi đây chỉ là tự phát, không phải do cơ quan chức năng thực hiện. Do đó, chuyện bảo đảm trật tự và an toàn tính mạng cho du khách vẫn còn bất cập. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần lưu ý, có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người đến tham quan; đồng thời ngăn chặn các cá nhân tự phát tổ chức để thu tiền du khách không đúng quy định, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Tây Ninh.
Tâm Giang - Ðức Tiến
Chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hài hoà với thiên nhiên.
Theo Kế hoạch, mít tinh phát động cấp tỉnh hưởng ứng chiến dịch được tổ chức tại huyện Gò Dầu. Bên cạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, UBND tỉnh còn yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức các hoạt động hưởng ứng như trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; các hoạt động tái chế, ngày hội sống xanh, các cuộc thi làm sản phẩm tái chế; ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước.
P. TK