Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sơn Trà, nhìn từ Vọng Cảnh
Thứ năm: 18:48 ngày 01/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuộc tranh luận nảy lửa về Sơn Trà (Đà Nẵng) suốt ba tháng nay khiến nhiều người nhớ lại một cuộc tranh luận tương tự xảy ra ở Huế hồi 12 năm trước về dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh (2005).

Ngọn đồi với cái tên thơ mộng ấy đã trở thành tên của một bài học về bảo tồn và phát triển.

Nếu bạn vào Google gõ ba chữ “đồi Vọng Cảnh” sẽ thấy diễn biến câu chuyện Vọng Cảnh cũng không khác gì bán đảo Sơn Trà. Chỉ khác là cuộc tranh luận trên đồi Vọng Cảnh đã có một kết thúc “vui cả đất trời lẫn lòng người” như lời bình luận của một nhà nghiên cứu, còn Sơn Trà phải đợi thêm ít nhất 90 ngày để chính quyền thành phố Đà Nẵng rà soát, báo cáo để Chính phủ quyết định.

Tôi lên lại đồi Vọng Cảnh - nơi đẹp nhất để ngắm cảnh sông Hương - trong chiều hè nắng gắt đã thấy rất nhiều nam nữ thanh niên đang vui chơi dưới tán rừng thông vi vu gió thổi, và nhiều du khách đang say sưa ngắm dòng sông Hương lững lờ trôi. Qua 12 năm, những cây thông hôm nào mới quá đầu người giờ đã trở thành một khu rừng xanh mướt.

Nếu hồi đó khu du lịch với những khối khách sạn ấy xây dựng xong thì ngọn đồi này có còn là rừng cây xanh, và con sông Hương trôi qua đây có còn trong lành, yên tĩnh như thế này không?...

Lúc đó là cuối năm 2004, báo Tuổi Trẻ đưa tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép xây dựng cho dự án khu khách sạn - nhà hàng - giải trí bên sườn đồi Vọng Cảnh. Ngay sau đó đã nổ ra một cuộc tranh luận quyết liệt của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các sở ngành tỉnh cùng các nhà đầu tư.

Cuộc tranh luận nảy lửa còn kéo thêm cả những chuyên gia từ trung ương và các tỉnh thành lẫn người ngoài nước tham gia diễn đàn. Một cuộc vận động ký tên bảo vệ đồi Vọng Cảnh diễn ra rầm rộ trên mạng...

Trước đó, toàn bộ các vị trong hội đồng quy hoạch - kiến trúc tỉnh đều lên tiếng đề nghị UBND tỉnh không nên cho phép xây dựng khách sạn ở đây vì trái với quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa (lăng tẩm, đền điện), xâm hại cảnh quan thiên nhiên và môi trường.

Diễn biến gay cấn đó khiến lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tổ chức ngay hai cuộc hội thảo cùng với một phiên họp bất thường của HĐND tỉnh, nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm sự việc. Thủ tướng Phan Văn Khải phải lên tiếng yêu cầu dừng triển khai dự án và tiến hành quy hoạch chi tiết khu vực đồi Vọng Cảnh để có căn cứ xem xét.

Phải đến mười năm sau, tháng 10-2015 quy hoạch chi tiết khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận mới làm xong và được phê duyệt. Theo quy hoạch này, đồi Vọng Cảnh được trả về đúng giá trị của nó là một công viên để người dân và du khách cùng ngắm cảnh, nghỉ ngơi, vui chơi.

Quy hoạch chi tiết xong mới thấy rằng cách khai thác Vọng Cảnh hợp lý và bền vững nhất là giữ nguyên vẹn cho cả cộng đồng, cho cả ngày xưa lẫn mai sau. Vậy mà mười năm trước đó, lãnh đạo tỉnh vẫn kiên định rằng: bảo tồn di tích - thắng cảnh phải đi liền với khai thác nó để tạo nguồn thu cho ngân sách.

Diễn biến của Vọng Cảnh đã từ 12 năm trước, nhưng xem ra cũng không khác gì với Sơn Trà lúc này. Cả hai địa danh này cùng là một mảnh đất hấp dẫn cho các resort, khách sạn. Một nguồn lợi kinh tế mà chính quyền và nhà đầu tư nào cũng tìm cách khai thác.

Đến lúc này vẫn không ai có thể dự báo kết cục của câu chuyện Sơn Trà. Tuy nhiên, nhìn từ Vọng Cảnh với một kết thúc đồng thuận “đẹp cả đất trời lẫn lòng người”, cho thấy một hướng giải cho bài toán Sơn Trà. Trong đó nền tảng vấn đề vẫn là dựa trên quy luật của muôn đời: người đến sau phải tôn trọng kẻ đến trước, cái lợi lâu dài phải đặt trên cái nhất thời!

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục