Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình mỗi xã một sản phẩm:
Sức bật cho nông nghiệp
Thứ năm: 11:42 ngày 11/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản, các nước đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống... thu được những thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện Dương Minh Châu tại lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ II năm 2018.

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” bắt đầu từ Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đã lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á và châu Phi. Học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản, các nước đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống... thu được những thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Tỉnh ta ở mỗi khu vực, mỗi địa phương cũng có không ít đặc sản nổi tiếng… nếu khai thác hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phát huy tiềm năng đó, tỉnh ta đang xây dựng đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh thực hiện đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”. Trong hơn 2 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ninh tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gà Tiên Yên, kẹo lạc hồng, bánh gật gù, khau nhục… góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người nông dân và phát triển du lịch ở địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua số liệu thống kê và kết quả điều tra sản xuất ngành nghề nông thôn, đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 52 loại sản phẩm, duy trì và phát triển 29 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có hơn 21.000 cơ sở với hơn 65.680 người tham gia sản xuất. Hiện có 10 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống đã được công nhận.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch đang là mục tiêu của nhiều địa phương, như: làng nghề mây tre đan xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành; nghề chằm nón tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh; nghề làm nhang, huyện Hoà Thành, huyện Dương Minh Châu…

Thống kê sơ bộ trên cho thấy, Tây Ninh là địa phương có các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, ở mỗi cấp tỉnh - huyện - xã đều có các sản phẩm chủ lực và sản phẩm dự phòng. Ðiển hình như tại thành phố Tây Ninh, xác định sản phẩm chủ lực là hình thành vùng chuyên canh mãng cầu ở các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Hiệp Ninh, các xã Thạnh Tân, Tân Bình và Bình Minh; hình thành vùng gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh ở ven núi Bà Ðen, kết hợp với phát triển du lịch; đa dạng hoá sản phẩm ngành nghề chằm nón để hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển…

Trong những năm gần đây, thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, nhiều sản phẩm như: mãng cầu, bưởi da xanh, bánh tráng phơi sương... được giới thiệu tại hội chợ, triển lãm kết nối giữa các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất các sản phẩm trên đia bàn tỉnh còn nhỏ, công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm nhiều... nên giá trị sản phẩm còn thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu vẫn bó hẹp phạm vi trong tỉnh, trong nước, nhiều sản phẩm nông nghiệp trong tình trạng “được mùa rớt giá”. Chủ yếu là do sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các “nhà”, thiếu đầu tư về khoa học - kỹ thuật…

Ðơn cử như tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Theo ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, bên cạnh các chính sách được Nhà nước hỗ trợ như vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ xúc tiến thương mại thì HTX vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

“Trái mãng cầu nhanh chín nên HTX cũng như nông dân gặp nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ. HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí cao nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch còn hạn chế, nhiều khi vẫn phải bán ở các chợ đầu mối với giá thấp, nên hiệu quả thấp, có khi còn bị lỗ; thiếu công nghệ chế biến sản phẩm, từ đó rủi ro càng cao hơn”- ông Mãng cho biết.

Gia đình anh Lưu Tỷ Phú, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, nhiều năm qua đầu tư khoảng 600m2 trồng rau trong nhà kính, đã áp dụng mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao “5 không”: không sử dụng phân bón hoá học, không phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen; đất trồng và nước tưới bảo đảm an toàn được kiểm tra nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, anh Phú cho biết: “Mặc dù sản phẩm rau của gia đình được trồng theo quy trình sạch, nghiêm ngặt để đem đến thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nhưng tất cả các sản phẩm làm ra đều bán ở các chợ truyền thống, chợ đầu mối mà chưa vào được các siêu thị. Vì chưa đạt tiêu chuẩn VietGAP và sản lượng yêu cầu”.

Vì vậy, anh Phú cũng như HTX mãng cầu Thạnh Tân kỳ vọng, nếu đề án OCOP được triển khai, cộng thêm các chính sách hiện có về nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, sẽ khắc phục được những khó khăn của nông sản trên địa bàn tỉnh, từng bước đưa nông sản vào các cửa hàng sạch, siêu thị lớn.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, về cơ bản, ngành nông nghiệp đã khảo sát xong các sản phẩm chủ lực và sản phẩm dự phòng ở các địa phương. Ðược biết, dự kiến đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ triển khai trên phạm vi toàn tỉnh vào khoảng giữa năm.

Bà Thảo cho biết, việc bám sát quyết định của Thủ tướng về mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa), đề án của tỉnh có những chính sách, mục tiêu phù hợp với tình hình địa phương. Nhìn chung, các nội dung này đều hướng đến việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…

Về cơ chế, chính sách, các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuỳ điều kiện thực tế, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực; xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hoá sản phẩm; ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.

Theo đó, trọng tâm của OCOP Tây Ninh là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế OCOP tại địa phương thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

Việc thực hiện Ðề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 đến 2025 tầm nhìn đến năm 2030 nếu thực hiện tốt sẽ là “đòn bẩy” góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế nông thôn theo chiều sâu, nâng cao vai trò và tính chủ động của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường và giúp xây dựng nông thôn mới hiệu quả, phát triển bền vững.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục