Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tản mạn về “lều văn” Thăng Sắc
Thứ sáu: 08:59 ngày 16/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuộc trò chuyện không lâu mà cũng chẳng mau với Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng đã cho tôi góc nhìn mới về nhà ngoại giao đa tài này. Ấn tượng đọng lại chính là sự sâu sắc, hóm hỉnh và khiêm nhường như chính bút danh trên văn đàn của ông - “lều văn Thăng Sắc”.

Có nhiều lý do khiến một cuộc hẹn với “lều văn” Nguyễn Chiến Thắng là điều không khó.

Trong đó, việc ông đã nghỉ hưu không chỉ khiến ngày thêm rộng, tháng thêm dài với vị Đại sứ - Nhà văn mà còn bởi ông luôn mở lòng với tất cả mọi người.

Những cuộc tiếp xúc, với đủ mọi lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp, quan điểm…, đều là những cơ hội để tác giả Thăng Sắc tích lũy vốn sống – điều mà ông cho là một trong những hạn chế của một nhà ngoại giao khi quyết định “dấn thân” vào chốn văn đàn.

Tìm chất liệu trong văn học Pháp

Nếu biết con đường lập nghiệp của ông chẳng có bất cứ dấu mốc nào “dính dáng” đến văn chương, người đọc sẽ ngạc nhiên khi đọc loạt tác phẩm của Thăng Sắc.

Ông là dân ngoại giao thuần. Tức là sau khi tốt nghiệp cấp III, ông vào học ở trường Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao), rồi vào ngành, trải qua quá trình phấn đấu và được lãnh đạo cấp cao tin tưởng giao phó những trọng trách quan trọng của ngành. Sự nghiệp được mô tả chỉ trong một câu như vậy, nhưng là hành trình bốn thập kỷ gắn bó với công tác ngoại giao.

Do tính cách ít chia sẻ về bản thân mình, ít ai biết vị đại sứ này là một người đam mê văn học Pháp và đã bắt đầu cầm bút từ khi còn rất trẻ. Nghiệp viết đến với ông một cách tự nhiên, không vì mưu sinh, không vì danh lợi hay bất cứ mục đích nào khác ngoài việc thỏa mãn nhu cầu sáng tác của bản thân.  Ông chia sẻ: “Có người đam mê chơi golf, có người mê làm vườn,… Còn tôi, tôi mê viết”.

Cứ thế, trong một thời gian rất dài, có thể nói là trong suốt cuộc đời cống hiến cho ngành ngoại giao, ông cứ đều đặn, túc tắc viết theo cảm xúc và vốn sống của mình. Trong đó, thân-phận-con-người là chất liệu hấp dẫn ông từ thời sinh viên, khi đắm mình trong những tác phẩm văn học hiện thực Pháp.

Ông cho rằng, dù được rất nhiều nhà văn khai thác, nhưng khi đề cập đến thân phận con người, người viết có thể khai thác dưới rất nhiều khía cạnh.

Những số phận phía sau ngòi bút

Có thể nói, chất liệu thân-phận-con-người trở thành môi trường lý tưởng để Thăng Sắc thỏa sức sáng tác. Đó cũng chính là kim chỉ nam cho hàng loạt những tác phẩm của ông sau này.

Chẳng hạn, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông - cuốn Những ngày không em (Nhà xuất bản Phụ nữ - 1996) được hoàn thành khi ông đang trong nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Pháp.

Cuốn sách ngay lập tức được độc giả đón nhận và được đạo diễn Bạch Diệp chuyển thể thành kịch bản phim Nụ tầm xuân - bộ phim lọt vào Top 10 phim hay nhất của Truyền hình Việt Nam năm 1997.

Đại sứ, Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng.

Tiếp đó, cũng với đề tài thân phận con người, tiểu thuyết Chớp mắt cùng số phận của ông đã được chuyển thành phim nhựa cùng tên và mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực hơn phía sau cuộc đời của những người lính trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Những tác phẩm như Những đóa sen màu xanh hay Chú Tư con là ai rồi Đi trong lốc xoáy... cứ thế được ông lần lượt cho ra mắt độc giả, và mới đây nhất là cuốn Ngụ cư, xuất bản tháng 9/2017.

Có lẽ, những tác phẩm do một nhà ngoại giao chuyên nghiệp viết ra, với góc tiếp cận chịu nhiều ảnh hưởng của nghề nghiệp và từ đó ảnh hưởng tới tư duy ngòi bút, nên những tác phẩm của tác giả Thăng Sắc thường đề cập tới thân phận những người Việt sinh sống, học tập ở nước ngoài.

Trong đó, dù vô tình hay hữu ý, những nhân vật trong tác phẩm của ông luôn đau đáu một câu hỏi: “Mình là ai?” – như nói thay tiếng lòng của nhiều người Việt sinh sống xa quê hương.

Chưa hài lòng với nghiệp văn

Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng đã đạt được những dấu mốc đáng tự hào như trở thành Đại sứ Việt Nam tại Algeria từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX và ngay sau đó là các nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Pháp, tại Campuchia…

Ông cũng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cho đến nghỉ hưu. Trong suốt hành trình ấy, ông được các đồng nghiệp đánh giá rất cao về chuyên môn, trách nhiệm với công việc, cũng như những đóng góp cho sự nghiệp đối ngoại nước nhà.

Còn trong nghiệp cầm bút, số tác phẩm của “lều văn” Thăng Sắc cũng chẳng hề khiêm tốn khi đã vượt con số trên hai bàn tay và ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Đó là điều mà không phải người viết văn chuyên nghiệp nào cũng đạt được.

Thế nhưng, chia sẻ một cách thực lòng, Thăng Sắc cho rằng mình “chưa đạt tới ý muốn” trong việc đi sâu phác họa thân phận con người vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất là sự hạn chế về vốn sống - bởi cả đời mình, ông đã tập trung tâm sức để cống hiến cho sự nghiệp ngoại giao.

Ở lẽ thứ hai, ông cho rằng, mình không phải là người quảng giao. Mối quan hệ của ông phần lớn gói gọn trong giới công chức ngoại giao, và cơ hội lăn lộn với cuộc sống bên ngoài rất ít. Còn lẽ cuối cùng chính là lý do con người.

Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng được anh em đồng nghiệp đánh giá là “lành”, sống chẳng bon chen, không màng lợi lộc. Có thể nói, những gì dữ dội đều không phù hợp với con người Thăng Sắc nên người ta không thể tìm thấy điều đó trong tác phẩm của ông. Trong truyện của Thăng Sắc không có gươm đao, súng ống hay tình ái ủy mị…

Nhà ngoại giao tự hoàn thiện ngòi bút

Nói đến đây, sẽ có người đặt câu hỏi: Thiếu thời gian, thiếu vốn sống, ít quảng giao... như vậy, làm thế nào mà Thăng Sắc lại có thể cho “ra lò” những tác phẩm rất đời, mà trong đó những ngõ ngách cuộc sống được ông mô tả phong phú, tỉ mẩn đến vậy?

Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng tâm sự: “Dù có nhiều hạn chế so với các nhà văn chuyên nghiệp, nhưng yếu tố đầu tiên khiến tôi bù đắp được những thiếu sót đó chính là niềm ĐAM MÊ”.

Lòng đam mê viết lách được hun đúc từ thời trẻ chính là động lực để ông bền bỉ sưu tầm vốn sống, ghi chép từng chút nguyên liệu cho những tác phẩm để đời của mình. Đó cũng chính là lý do mà Thăng Sắc không nhớ chính xác thời gian mà ông hoàn thành một tác phẩm mất bao lâu.

Với tính cách cẩn trọng của mình, vị đại sứ không chỉ có thói quen đọc đi đọc lại rồi chỉnh sửa những gì mình viết ra rất nhiều lần mà còn may mắn khi luôn có một độc giả giúp ông soi xét từng câu chữ từ khi những tác phẩm còn là bản thảo.

Đó chính là người bạn đời của ông – bà Vũ Thị Nguyệt. Đến nỗi, những người thân thiết với gia đình ông bà còn gọi bà là đồng tác giả khiêm nhường không có tên ghi trên bìa sách của ông.

Bên cạnh niềm đam mê, “lều văn” Thăng Sắc còn nỗ lực khắc phục sự hạn chế về vốn sống và sự quảng giao của mình bằng cách đọc, quan sát và gặp gỡ, trò chuyện với những hình mẫu nhân vật mà ông cho là nhiều vốn sống về những khía cạnh mà ông dự định khai thác.

Với cách làm việc có nhiều nét tương đồng với nghề báo, ông kiên trì sưu tầm những dữ liệu trong cuộc sống thực tế của rất nhiều người, ghi chép lại, đối chiếu với nhau để chọn ra những nguyên liệu tốt nhất nhằm xây dựng nên hình tượng nhân vật của mình.

Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2012, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng vẫn đang ấp ủ nhiều dự định cho ra đời những tác phẩm mới trong thời gian tới, mà ông bật mí sẽ vẫn là những lát cắt về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Người viết bài này mong ông có thật nhiều sức khỏe, niềm đam mê và sự khích lệ để có thể mang đến cho độc giả những hành trình thú vị qua từng trang viết của mình.

 Thay cho lời kết, xin mượn lời của bà Hồ Thể Lan – nguyên Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, một đồng nghiệp của Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng: “Dù là nhà ngoại giao hay nhà văn, Thăng Sắc cũng dốc lòng, dốc sức, hết mình, với lương tâm và trách nhiệm cao nhất để làm việc, bất kể lớn hay nhỏ...

Ông chỉ thấy mình là “lều văn” chứ không phải “nhà văn”, thật lòng khiêm nhường và luôn coi mình là học trò của trường đời”.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục