Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Cục Thuế, dự toán hoàn thuế tỉnh Tây Ninh năm 2022 đối với hàng xuất khẩu là 2.414 tỷ đồng, thực hiện hoàn thuế đến ngày 14.12.2022 là 2.158 tỷ đồng, so với dự toán đạt 89,4%.
Trong đó, hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng có rủi ro cao về thuế đối với doanh nghiệp thương mại xuất khẩu mặt hàng tinh bột mì, cao su... khoảng 283 tỷ đồng (chiếm 13,11% trên tổng số thuế đã hoàn). Các hồ sơ hoàn thuế đa số là xuất khẩu chính ngạch thông qua các cửa khẩu đường biên tại TP. Hồ Chí Minh, các hình thức thanh toán quốc tế về cơ bản mức độ rủi ro không cao, địa điểm hàng đến chủ yếu là Trung Quốc.
Đầu vào của các mặt hàng xuất khẩu được sản xuất chủ yếu tại Tây Ninh, Bình Phước, Đăk Lăk... (là vùng nguyên liệu trực tiếp từ trồng trọt của nông dân và nguồn nguyên liệu nhập khẩu thông qua biên giới Tây Nam, sau đó đưa vào các nhà máy chế biến thành sản phẩm xuất khẩu).
Thời gian qua, Cục Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu phân loại hồ sơ hoàn, đánh giá rủi ro, định hướng công tác kiểm tra trước hoàn, đặc biệt là chỉ đạo các bộ phận tham gia quy trình hoàn thuế... Tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh kịp thời xác minh các hoá đơn đầu vào đủ điều kiện khấu trừ theo đúng quy định, bảo đảm thời gian giải quyết hoàn thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá thông suốt, đóng góp vào sự tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu của địa phương.
Trong công tác xác minh hoá đơn, Cục Thuế tiến hành xác minh đến khâu cuối cùng đối với các trường hợp có rủi ro cao về thuế bằng nhiều hình thức: trực tiếp xác minh, hoặc gửi văn bản phối hợp xác minh; tra cứu thông tin và thu thập thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Tuy còn gặp một số khó khăn nhưng cơ bản xác định được các dấu hiệu bất thường, từ đó, tập trung thanh tra, kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm, hạn chế được những rủi ro cho cơ quan Thuế khi thực hiện hoàn thuế.
Khi nhận được yêu cầu xác minh của các cơ quan thuế khác, Cục Thuế tích cực phối hợp trả lời đầy đủ nội dung xác minh theo yêu cầu, xử lý kịp thời các vi phạm về hoá đơn và có văn bản phản hồi cảnh báo rủi ro hoặc thông báo kết quả xử lý đối với các đơn vị do Cục Thuế quản lý (bao gồm các hoá đơn đề nghị trực tiếp không qua hệ thống xác minh hoá đơn).
Thực hiện Công văn số 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế ngày 7.3.2022 về việc hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn, Cục Thuế đã thực hiện thu hồi hoàn 2.391 triệu đồng, tiền phạt và chậm nộp là 660 triệu đồng. Thực hiện Công văn chỉ đạo số 1873/TCT-TTKT ngày 1.6.2022 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hoá đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT, dự kiến thu hồi hoàn 40 tỷ đồng.
Hiện tại, Cục Thuế đang tiếp tục thực hiện rà soát kiểm tra, thanh tra các hồ sơ hoàn thuế có rủi ro cao theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và các văn bản cảnh báo rủi ro do các cơ quan thuế ngoài tỉnh chuyển đến.
Theo Cục Thuế, quá trình thực hiện xác minh hoá đơn đầu vào, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật và công văn chỉ đạo còn gặp khó khăn do không có tính thống nhất. Bên cạnh đó, qua xác minh, trường hợp các doanh nghiệp trung gian không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh nhưng chưa có quy định, cơ chế để dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế...
Về vấn đề này, cơ quan Thuế không có cơ sở xác định các hoá đơn mua vào của các công ty là hoá đơn bất hợp pháp hay công ty sử dụng bất hợp pháp hoá đơn do người nộp thuế đã phát hành hoá đơn, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn và khai thuế theo quy định.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Cục Thuế kiến nghị Tổng cục Thuế sớm ban hành quy trình hoàn thuế thay thế quy trình hoàn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 905/QĐ-TCT ngày 1.7.2011; cập nhật trên hệ thống quản lý thuế danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hoá đơn để công chức quản lý thuế tiện tra cứu rà soát xử lý kịp thời; đề nghị Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách chặt chẽ hơn để tránh tình trạng người nộp thuế lợi dụng hình thức rút tiền, nộp tiền mặt với số lượng lớn nhằm hợp thức hoá việc thanh toán hàng hoá mua vào để khấu trừ hoàn thuế; đồng thời cung cấp thông tin giao dịch đáng ngờ của người nộp thuế cho cơ quan Thuế kịp thời.
Cục Thuế kiến nghị sớm xây dựng ứng dụng hỗ trợ xác minh hoá đơn, đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ quan trọng toàn ngành trong công tác quản lý hoàn thuế. Mặt khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong toàn hệ thống Thuế trên cả nước đối với công tác xác minh hoá đơn và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá giữa các cơ quan Thuế.
Giang Hà