Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế với các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng xoài tại HTX xoài Thạnh Bắc (huyện Tân Biên).
Trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, tỉnh tập trung xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao huyện Tân Châu quy mô 2.000 ha gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện; phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 40% và đến năm 2030 đạt 50%.
Trong những năm qua, tỉnh xác định mục tiêu phát triển ngành trồng trọt theo hướng tập trung đầu tư, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị; ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy cơ giới hoá đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế với các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Cần phát huy dịch vụ công hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị
Ðề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp của tỉnh được phê duyệt và triển khai thực hiện từ cuối năm 2019. Dù mới được triển khai nhưng kết quả đạt được bước đầu khá tích cực. Phát triển chuỗi liên kết chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ðối với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 55 chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm với tổng diện tích thực hiện 10.987 ha, thu hút 3.438 hộ nông dân tham gia, chủ yếu đối với cây lúa, rau, mía, chuối, dưa lưới, dưa lê, chanh không hạt, mãng cầu ta, dứa, bắp và xoài.
So với chỉ tiêu đặt ra, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông-lâm-thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết của tỉnh còn thấp hơn so với yêu cầu. Trong khi chính sách của Trung ương và của tỉnh tập trung vào các vấn đề khuyến khích hình thành chuỗi liên kết theo các chủ đề về chất lượng như: áp dụng sản xuất GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… rất ít doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có năng lực làm chủ chuỗi liên kết khép kín, ngay cả những doanh nghiệp lớn như các công ty chế biến mía đường, cao su, khoai mì cũng mới chỉ thực hiện liên kết trong khâu sản xuất hoặc chế biến, chưa khép kín liên kết từ khâu đầu vào kỹ thuật, sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Số lượng các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị ngành hàng rau quả của tỉnh rất nhiều và tương đối toàn diện bao gồm hỗ trợ về đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, sơ chế, bảo quản, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Trong các nhóm chính sách này, vấn đề then chốt nhất là liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiện còn hạn chế hơn cả, bao gồm cả các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhà máy chế biến rau quả lớn và hiện đại hàng đầu khu vực Ðông Nam Á nhưng lại thiếu vùng nguyên liệu, thiếu các hoạt động hợp tác liên kết để bảo đảm đầu ra cho nông dân, hợp tác xã và đầu vào cho doanh nghiệp.
Ðối với chuỗi giá trị rau, tỉnh đã hình thành được chuỗi các cửa hàng tiêu thụ rau an toàn. Ðây có thể coi là kết quả rõ nhất về tác động của chính sách đối với phát triển chuỗi giá trị của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng còn ít, quy mô tiêu thụ của các cửa hàng còn nhỏ. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp các vướng mắc trong việc nhận các hỗ trợ từ UBND tỉnh theo cam kết của các đề án liên quan, gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất để xây dựng các chuỗi cửa hàng.
Việc hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng quy trình sản xuất GAP đã được thực hiện rộng rãi hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng tối đa được nhu cầu của nông dân, nhất là với những loại trái cây mới được trồng như mít, bưởi da xanh, chuối già Nam Mỹ.
Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào được cấp phép chứng nhận các tiêu chuẩn GAP. Việc kiểm định chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lại phụ thuộc vào Trung tâm Chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng 4 đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Vì thế, khi người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần chứng nhận kiểm định VietGAP, GlobalGAP… mất nhiều thời gian và chi phí, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp e ngại áp dụng quy trình sản xuất GAP.
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, thương lái vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc tiêu thụ sản phẩm đối với nhóm cây rau đậu và trái cây các loại. Ðối với các cây trồng và vật nuôi chủ lực như mía, cao su, khoai mì, heo, bò, gia cầm, doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong việc tiêu thụ sản phẩm nhưng đa số trường hợp mua bán sản phẩm trực tiếp theo tín hiệu thị trường.
Cũng đã có một số các doanh nghiệp đầu tư vùng trồng riêng, ví dụ như Công ty TNHH Hưng Thịnh, Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh… nhưng chỉ dừng lại ở việc đầu tư vùng nguyên liệu để bảo đảm nhu cầu chế biến, chưa có hợp đồng liên kết với người sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 103 doanh nghiệp nông-lâm-thuỷ sản đang hoạt động, chủ yếu là các nông trường cao su, mía đường, các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, các doanh nghiệp chế biến có vùng nguyên liệu như nhà máy đường, nhà máy tinh bột khoai mì, nhà máy chế biến cao su… Hằng năm, các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Xu thế sản xuất mới là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn theo chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh. Do các chính sách và giải pháp phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp mới được triển khai, nên chỉ đạt được kết quả bước đầu. Công tác tuyên truyền chưa kịp thời đối với một số cơ chế, chính sách hỗ trợ mới nên người dân và doanh nghiệp chưa nắm bắt.
Phát triển sản phẩm theo hướng tăng trưởng ổn định
Kế thừa những kết quả đạt được, tỉnh phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
Dựa trên Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT có những định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Ðối với những sản phẩm chính của tỉnh như lúa, mía, cao su… mang lại giá trị gia tăng và việc làm chủ yếu cho người dân, nhưng rất khó gia tăng giá trị. Do vậy, theo tín hiệu thị trường, định hướng sẽ là duy trì và giảm quy mô.
Những sản phẩm chính của tỉnh tăng trưởng ổn định như: khoai mì, trái cây gồm mãng cầu, xoài, nhãn, các loại rau củ truyền thống đang là những sản phẩm tạo ra các giá trị gia tăng tốt cho tỉnh. Tín hiệu thị trường của các sản phẩm này là rất tích cực, nhưng khả năng phát triển đột phá không cao. Do vậy, theo tín hiệu thị trường và giới hạn về diện tích đất đai thích hợp, định hướng là tăng trưởng ổn định.
Ðối với nhóm sản phẩm tiềm năng, trong đó, tỉnh tập trung phát triển một số loại cây ăn trái gồm dứa, bưởi, sầu riêng, chuối, thanh long, đu đủ, chanh dây… bò thịt, heo thịt, gà thịt và bò sữa. Trên thực tế, đây là những sản phẩm có triển vọng về thị trường nhưng chuỗi giá trị chưa khép được hoặc đã khép chuỗi nhưng ở quy mô và phạm vi hẹp.
Với chính sách khuyến khích và ưu đãi, tỉnh đang nỗ lực phát triển các sản phẩm trong nhóm bằng cách kết hợp với các doanh nghiệp hiện đã đầu tư hay có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh để phát hiện và tập trung phát triển các loại cây trồng và vật nuôi này.
NHI TRẦN