Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường thu hút đầu tư dự án chăn nuôi theo chuỗi giá trị
Thứ ba: 10:26 ngày 13/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn khi vừa phải phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi lao đao, khó ổn định sản xuất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan khu sơ chế đóng gói trứng gà của Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources.

Chăn nuôi phát triển ổn định

Báo cáo tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tổ chức tại khách sạn Sunrise (thành phố Tây Ninh) ngày 10.12 vừa qua, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi và giá cả vật tư đầu vào tăng cao trong khi giá các sản phẩm gia súc, gia cầm luôn biến động, nhưng nhìn chung ngành chăn nuôi vẫn phát triển ổn định.

Ước giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh trong năm 2022 là 5.195 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 19,5%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 9.800 con trâu; 103.300 con bò (trong đó có 13.305 con bò sữa); 231.817 con heo; 9.000.000 con gia cầm; 567 ha nuôi trồng thuỷ sản; khoảng 1.000 nhà nuôi chim yến. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại bảo đảm an toàn sinh học, toàn tỉnh có 628 trang trại gia súc với tổng đàn 204.475 con tăng 5,7% so với năm 2021, 107 trang trại gia cầm với tổng đàn 6.666.381 con, tăng 20,88% so với năm 2021. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại đối với heo là 78%; trâu bò 19,7%; gia cầm 63,6%.

Tổng sản lượng chăn nuôi ước đạt: 50.500 tấn thịt heo; 7.550 tấn thịt bò; 49.000 tấn thịt gia cầm; 650 triệu quả trứng. Lượng heo hiện nay đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh; thịt trâu bò xuất về TP. Hồ Chí Minh khoảng 10 tấn/ngày; thịt gia cầm xuất tỉnh khoảng 30 tấn/ ngày; trứng xuất tỉnh và xuất khẩu chiếm khoảng 30% sản lượng của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 60 cơ sở chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 38 cơ sở chăn nuôi heo) được cấp giấy chứng nhân VietGAHP; huyện Dương Minh Châu được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Newcastle (dịch tả gà); có 3 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà cấp xã (Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch) thuộc huyện Gò Dầu, 6 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng cấp xã (Long Khánh, Long Phước, Long Giang, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận) thuộc huyện Bến Cầu và 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (59 cơ sở chăn nuôi gà, 12 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh đông vật trên địa bàn tỉnh ổn định; xảy ra 19 ổ dịch tả heo châu Phi từ năm 2021 chuyển sang, từ ngày 16.2 đến nay, không xảy ra ổ dịch bệnh trên động vật.

Công nhân của Công ty TNHH QL Việt Nam thực hiện các bước sơ chế trứng gà.

Tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư về chăn nuôi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua được tỉnh rất quan tâm, Tây Ninh đang là địa phương thu hút được sự quan tâm đầu tư của nhiều dự án chăn nuôi. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, có 162 dự án xin chủ trương đầu tư, trong đó, có 113 dự án chăn nuôi quy mô lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, gồm có: 32 dự án chăn nuôi gà với quy mô 9.457.500 con; 77 dự án chăn nuôi heo với quy mô 959.084 con; 1 dự án nuôi 450 bò thịt; 1 dự án kết hợp nuôi 100 con bò thịt và 102 con dê và 2 dự án nuôi 8.050 con bò sữa đã đi vào hoạt động.

Nổi bật là Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh, đi vào hoạt động từ tháng 4.2021 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất thiết kế trên 19 triệu con/năm. Trong năm 2021, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 37 dự án chăn nuôi với 304.500 con heo và gần 1,5 triệu con gà. 37 dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Hiện ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, tổng đàn gia súc tỉnh Tây Ninh hiện có 344.917 con, trong đó, 628 trang trại tăng 5,7% so với năm 2021. Về gia cầm có 9.000.000 con, trong đó, 107 trang trại tăng 20,88% so với năm 2021.

Trên địa bàn tỉnh có các mô hình chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho chợ truyền thống; chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh với hơn 20 cửa hàng; chuỗi 8 cửa hàng trong hệ thống siêu thị Co.opmart và 70 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Bách hoá Xanh. Chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty TNHH Pacow international theo công nghệ thịt mát và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt của HTX Hiệp Phát tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. 92% sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh được gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ với Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Friesland Campina thông qua các trạm trung chuyển sữa tại thị xã Trảng Bàng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đang đầu tư 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, công suất 250.000 tấn/năm; 9 dự án nuôi 27.400 heo nái, 134.000 heo thịt và đang tìm vị trí đất phù hợp để xây dựng cơ sở giết mổ - chế biến trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, thị trường tiêu thụ, trong những năm qua, ngành chăn nuôi ở Tây Ninh có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, nổi cộm là thiếu doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi.

Theo ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh hiện tỉnh vẫn chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp về giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, thuốc thú y. Do đó, đến nay, Tây Ninh vẫn chưa có sản phẩm gia súc, gia cầm xuất khẩu chính ngạch.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi ngày càng phát triển và tạo tiền đề thu hút đầu tư hình thành các chuỗi giá trị trong chăn nuôi, gắn chăn nuôi với chế biến, tiến tới xuất khẩu, ngày 26.8.2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2826/KH-UBND về phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, với các loại vật nuôi có thế mạnh của tỉnh là heo, bò thịt, bò sữa, gà thịt, gà trứng và chim yến.

Theo đó, Tây Ninh phấn đấu hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu với mục tiêu đến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành như chuỗi thịt heo, thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh; chuỗi thịt bò được giết mổ, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sản phẩm (đến 2025 chiếm 15% sản lượng thịt bò của tỉnh). Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh chiếm 50% (hiện nay, sữa tươi chưa được chế biến trên địa bàn tỉnh).

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục