Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
Thứ ba: 21:47 ngày 24/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các vụ việc TGPL cho người cao tuổi được đánh giá đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL cho người cao tuổi.

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính đã được hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, triển khai thực hiện, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.

Ngày 21.12.2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030. Đối tượng của chương trình gồm người cao tuổi, ưu tiên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; hộ có người cao tuổi; Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến người cao tuổi.

Mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi; tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí; nâng cao chất lượng đời sống vật chất của người cao tuổi; hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội hướng tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người cao tuổi; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội người cao tuổi, chú trọng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số; huy động khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Một trong những nội dung của Chương trình là TGPL cho người cao tuổi. Mục tiêu TGPL của Chương trình trong giai đoạn 2022 – 2025 là ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ TGPL theo quy định của pháp luật TGPL khi có nhu cầu; tiến tới giai đoạn 2026 – 2030, mục tiêu là ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ TGPL theo quy định của pháp luật TGPL khi có nhu cầu.

Chương trình đề ra một số nhiệm vụ TGPL cho người cao tuổi như tăng cường thực hiện hoạt động TGPL tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người cao tuổi khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành có nhu cầu trợ giúp pháp lý và tại Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội khi có yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác TGPL đối với người cao tuổi; truyền thông về TGPL đối với người cao tuổi thông qua các hoạt động thích hợp.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động TGPL đối với người cao tuổi; phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến chức năng nhiệm vụ theo nội dung của chương trình.

Ông Nguyễn Đức Tiến- Phó trưởng Ban Đại điện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 101.800 hội viên. Những năm qua, nêu cao tinh thần tuổi cao - gương sáng, bằng tâm huyết và sự tận tuỵ, các hội viên người cao tuổi tích cực hưởng ứng nhiều phong trào ở địa phương như lao động sản xuất giỏi, giảm nghèo, xây dựng tinh thần đoàn kết thôn xóm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đồng thời, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. 

Để người cao tuổi tiếp thu được nhiều nội dung chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến họ, các cơ sở Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tác tuyên truyền và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Hội vững mạnh. 

Cơ sở Hội tổ chức và triển khai nhiều hình thức để tuyên truyền pháp luật cho người cao tuổi như thông qua hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tiếp xúc riêng lẻ và sử dụng công nghệ thông tin (nhóm zalo), phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài), cuộc họp, buổi sinh hoạt để triển khai, tuyên truyền nhiều nội dung quan trọng như Luật Người cao tuổi, Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam, chính sách TGPL… Trong năm, Hội Người cao tuổi cơ sở đã tổ chức 4.606 cuộc tuyên truyền với 111.330 lượt cán bộ, hội viên tham dự.

Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết, phần đông người cao tuổi đi lại khó khăn nên hoạt động TGPL cho đối tượng này cần được quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, chính sách TGPL cho người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng được Trung tâm phối hợp với các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền thường xuyên.

Năm 2022, Trung tâm thực hiện trên 30 vụ việc cho người cao tuổi thuộc diện được TGPL, chủ yếu là tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Qua từng vụ việc cụ thể, người được TGPL tuyên truyền trong người thân về thông tin dịch vụ TGPL, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL trong người cao tuổi.

Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được chú trọng. Các vụ việc TGPL cho người cao tuổi được đánh giá đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Đơn cử như trường hợp bà T.T.O (sinh năm 1942, ngụ xã Trường Hòa, thị xã Hoà Thành) ký 2 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con gái ruột T.T.Đ.Q và cháu ngoại P.T.N đối với 2 thửa đất toạ lạc tại ấp Long hải, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành vào năm 2017.

Do đây là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện là bà T.T.Đ.Q phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng bà O nhưng sau đó, bà Q không thực hiện đúng theo nghĩa vụ và ngăn cản không cho bà O ký kết hợp đồng cho thuê đất, nên bà O đã khởi kiện đòi tài sản và yêu cầu huỷ 2 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà O với bà Q và anh N.

Tại phiên toà phúc thẩm, trợ giúp viên pháp lý thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà O đề nghị Hội đồng xét xử TAND tỉnh xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà O; tuyên vô hiệu đối với 2 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà O với bà Q và anh N, vì bà O đã hơn 80 tuổi, không còn tài sản nào khác để sinh sống.

Qua xét xử, TAND tỉnh tuyên giữ nguyên 2 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà O với bà Q và anh N; bà O được quyền ở trên đất này và được quyền quản lý, sử dụng tiền cho thuê nhà đến cuối đời của bà O.

“Bản thân là người lớn tuổi, kiến thức pháp luật giới hạn nên bị dính vào kiện tụng, tôi ăn ngủ không yên. Nhờ được trợ giúp viên pháp lý tận tình hướng dẫn thủ tục và tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà Toà án đã xem xét trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi” - bà O bộc bạch.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi thuộc diện được TGPL, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL, quyền được TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL cho người được TGPL, trong đó có người cao tuổi có khó khăn về tài chính; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho đội ngũ TGPL; nâng cao chất lượng thực hiện TGPL cho các vụ việc, nhất là hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng gắn liền với đại diện ngoài tố tụng; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các Hội người cao tuổi trong truyền thông và hướng dẫn người cao tuổi thực hiện quyền được TGPL cũng như trong thực hiện vụ việc TGPL.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục