Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng lương càng sớm càng tốt
Thứ sáu: 09:57 ngày 28/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023 thay vì ngày 1-7-2023; đồng thời kiểm soát giá cả để tránh tình trạng "lương tăng 1 đồng thì giá tăng 2 đồng"

Thảo luận tại hội trường ngày 27-10, đại biểu (ĐB) Thái Thu Xương (Hậu Giang), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả nhằm ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, từng bước cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 vừa qua, giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, xăng dầu, sách giáo khoa, học phí, viện phí... tăng liên tục đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người làm công ăn lương, đối tượng yếu thế.

ĐB Thái Thu Xương cho biết cử tri, cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội (QH) tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023. Dù vậy, cử tri mong muốn QH, Chính phủ tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể tăng từ ngày 1-1-2023 thay vì 1-7-2023.

Bên cạnh đó, cần giải pháp kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng "lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng thì giá tăng 2 đồng" khiến đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế nói riêng càng khó khăn hơn.

Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) đề nghị thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách về quy hoạch, đầu tư các thiết chế phục vụ người lao động và con em tại các đô thị, khu công nghiệp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách về quy hoạch, đầu tư các thiết chế phục vụ người lao động và con em của họ tại các đô thị, khu công nghiệp, gồm: nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, nghiên cứu chọn sách giáo khoa phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh khi phải chuyển trường do cha mẹ chuyển nơi làm việc.

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng cử tri, người dân, người làm công ăn lương thấu hiểu sâu sắc rằng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho việc tăng lương hằng năm trong giai đoạn dịch COVID-19. Lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn của Chính phủ bởi để tăng 20,8% lương cơ sở, Chính phủ phải cân đối 44.000 tỉ đồng.

"Dịch vừa tạm yên, Chính phủ trình QH tăng lương cơ sở là thấu tình đạt lý, rất đáng trân trọng, phù hợp với sức chống chịu của nền kinh tế, sức chịu đựng của ngân sách. Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn cũng như để nhanh chóng bù đắp đồng lương eo hẹp trong bối cảnh trượt giá, tôi kiến nghị QH, Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn dự định, cụ thể là tăng ngay từ ngày 1-1-2023" - ĐB Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh.

Cũng lo lắng tình trạng "lương chưa tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước" và "lương luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường", ĐB Nguyễn Huy Thái cho rằng tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị bên cạnh việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian sớm nhất, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, sớm triển khai cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương, thưởng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ có kiến thức, chuyên môn, năng lực giỏi để có thể thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ có tâm, có tài. 

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục