Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, dù kỹ năng nghề của lao động Việt Nam có cải thiện nhưng hiện vẫn đứng thứ 8 trong khu vực Ðông Nam Á, tức chất lượng đào tạo nghề vẫn còn nhiều vấn đề.
Học sinh Trường cao đẳng nghề Tây Ninh trong giờ thực hành.
Ngày 25.12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019, đề ra phương hướng hoạt động của năm 2020. Tham dự hội nghị tại Hà Nội có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung. Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH tham dự hội nghị.
Năm 2019, thực hiện các giải pháp đột phá, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ LÐ-TB&XH tiếp tục triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cùng với đó là hàng loạt dự án, đề án liên quan đến đào tạo, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp được triển khai. Ðến nay, cả nước có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 402 trường cao đẳng, 466 trường trung cấp, 1.044 trung tâm giáo dục nghề nghiệp).
Năm 2019 có khoảng 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương 16 triệu người lao động, trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tương đương 13 triệu người).
Bộ LÐ-TB&XH đánh giá, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 29%, giảm gần 5% so với cuối năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3% - 4% so với cuối năm 2018.
Ðạt được nhiều kết quả nhưng khó khăn, hạn chế chưa phải đã hết. Lãnh đạo Bộ LÐ-TB&XH nhìn nhận, sức ép về việc làm còn lớn- nhất là việc làm theo hướng bền vững và việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Việc dự báo, kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế, thông tin thị trường lao động thiếu và bị chia cắt; tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu hệ thống các chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù.
Ý thức tuân thủ pháp luật lao động - việc làm của một số người sử dụng lao động và người lao động còn chưa cao, ảnh hưởng việc thực thi pháp luật. Vẫn còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ðối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có tăng nhưng tốc độ tăng còn chậm.
Tình trạng nợ đọng, chậm đóng, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội vẫn tiếp diễn làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phân tán, chưa thực sự gắn với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương.
Công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp từ hệ thống giáo dục phổ thông chưa được thực hiện tốt, chỉ tiêu tuyển sinh đại học tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài nên đã thu hút phần lớn học sinh vào đại học; điều này tạo áp lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tuyển sinh. Việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tệ nạn nghiện hút ma tuý còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam lưu ý, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là một ngành quản lý nhiều lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, từ lao động, việc làm, bảo hiểm, đào tạo, xuất khẩu lao động... nên tính phối hợp cần cao hơn nữa. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đánh giá, đến cuối năm nay, hơn 90% người lao động đã có thẻ BHYT nhưng tham gia BHXH còn thấp, cần làm quyết liệt hơn để tăng tỷ lệ người dân tham gia loại hình bảo hiểm này.
Trong đào tạo nghề, Phó Thủ tướng lưu ý, dù kỹ năng nghề của lao động Việt Nam có cải thiện nhưng hiện vẫn đứng thứ 8 trong khu vực Ðông Nam Á, tức chất lượng đào tạo nghề vẫn còn nhiều vấn đề. Chính phủ đặt mục tiêu trong 5 năm tới, tay nghề của người lao động qua đào tạo phải lọt vào tốp 4 nước đứng đầu khối ASEAN. Liên quan cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đề nghị ngành mạnh mẽ thay đổi để nâng cao chất lượng phục vụ, vì chỉ số cải cách hành chính, thủ tục hành chính của ngành lao động thương binh và xã hội chỉ mới ở mức trung bình.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong những thành tựu chung của đất nước năm 2019 có sự đóng góp rất lớn của ngành lao động thương binh và xã hội. Thứ nhất, ngành hoàn thành 3 chỉ tiêu mang tính đột phá, trong đó đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thứ hai, năm qua, ngành đã nâng cao chất lượng đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Thứ ba, là giải quyết chính sách cho người có công.
“Ðối với người có công với cách mạng, chúng ta phải cố gắng hết mình, có người hy sinh 70 năm rồi, nay mới làm xong thủ tục công nhận liệt sĩ”- Chủ tịch Quốc hội nói. Hiện nay, toàn quốc có 8 tỉnh, thành phố giải quyết xong hồ sơ tồn đọng về chính sách thương binh, liệt sĩ. Liên quan đến trẻ em, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, xâm hại trẻ em vẫn gây nhức nhối, thậm chí căm phẫn trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ xây dựng các nghị định để cụ thể hoá các bộ luật, luật vừa được thông qua (tổng cộng có 25 nghị định cần được xây dựng).
VIỆT ÐÔNG