Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2018 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, với bao đổi thay trên quê hương Tây Ninh. Nhìn lại để tự hào, và cũng để làm động lực hướng tới tương lai - đẹp hơn, rạng ngời hơn!
Nhà máy Tanifood đang được khẩn trương hoàn thiện, dự kiến khánh thành đầu tháng 1.2019
1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tây Ninh phải phấn đấu làm giàu bằng nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ thăm và làm việc tại Tây Ninh trong hai ngày 20 và 21.8.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh khắc phục tồn tại, hạn chế; tiếp tục phát huy trí tuệ, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh nhà trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên và làm giàu bằng nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Tây Ninh tự cân đối được chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, Thủ tướng còn đề nghị Tây Ninh thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tinh thần sáng tạo, tiên phong, có năng lực tài chính để xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch sinh thái - tâm linh - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí độc đáo; gắn với bảo vệ, giữ gìn rừng tự nhiên, phát triển, tái tạo rừng để phục vụ các mục tiêu lâu dài và bảo vệ môi trường của địa phương; Nâng cao chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững; hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn địa phương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế, tăng cường công tác truyền thông quảng bá du lịch, phấn đấu đến năm 2020 thu hút 4-5 triệu khách du lịch.
2. Tăng tốc về kinh tế
Tại phiên họp thường kỳ lần thứ 38 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cho rằng, năm 2018 vừa qua, Tây Ninh thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Điều đó cho thấy, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian qua đã đi đúng hướng và mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
19/23 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch, trong đó, những chỉ tiêu quan trọng đều vượt. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) ước thực hiện 51.347 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Ngành công nghiệp vẫn là ngành tăng trưởng ổn định và vượt kế hoạch đề ra, giá trị sản xuất tăng 16,4% (kế hoạch tăng 14,5%).
Ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực trong việc thu hút nhiều dự án quy mô lớn và chuẩn bị đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố Tây Ninh. Lần đầu tiên, 9/9 huyện, thành phố đều thu ngân sách vượt dự toán, góp phần vào tổng thu ngân sách chung của cả tỉnh ước đạt 7.417,8 tỷ đồng, tăng 7,4% dự toán. 3. Thành lập Trung tâm hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng xã hội Zalo
Ngày 13.3, Trung tâm hành chính công của tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Với phương châm “Chuyên nghiệp - Thân thiện - Trách nhiệm” và “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, tính đến ngày 15.10.2018, Trung tâm đã tiếp nhận 22.045 hồ sơ, đã trả kết quả 20.624 hồ sơ, còn lại 1.421 hồ sơ. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận trên 200 lượt hồ sơ của cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết TTHC.
Các hồ sơ, TTHC được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả, và đa số các hồ sơ được tiếp nhận tại Trung tâm đều thực hiện đúng hẹn và trước hẹn cho người dân... Qua khảo sát mức độ hài lòng, hầu hết các cá nhân, tổ chức- đặc biệt là nhân dân đều rất hài lòng với việc triển khai mô hình Trung tâm hành chính công tỉnh hiện nay.
Ngày 1.11, Trung tâm hành chính công tỉnh đi vào hoạt động giai đoạn 2 và khai trương cổng phục vụ hành chính công trên ứng dụng Zalo, tạo lập kênh giao tiếp trực tiếp giữa chính quyền tỉnh Tây Ninh với người dân.
4. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tây Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Theo Sở NN&PTNT, nhằm góp phần gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2017-2021, tỉnh sẽ xây dựng 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 500 ha; quy hoạch tối thiểu 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên 4.000 ha. Trong đó, đến năm 2021, tỉnh có ít nhất 1 vùng nông nghiệp công nghệ cao, 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động.
Một trong những điểm son trong năm 2018 là việc Công ty cổ phần Lavifood đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại (sấy nóng, sấy lạnh, sấy khô, cô đặc, sơ chế tươi, đóng lon khép kín...).
Các sản phẩm làm ra sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và cung cấp cho hệ thống chuỗi siêu thị Co.opMart. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2019, tiêu thụ bình quân khoảng 500 tấn nguyên liệu/ngày với các loại nông sản như xoài, khóm, thanh long, mãng cầu, chuối, chanh dây…
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ký kết thoả thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty CP Nafoods Group, tỉnh Nghệ An. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods Group, trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu tại Tây Ninh, Nafoods Group muốn có 2.000 ha đất chủ động để phát triển cây ăn trái, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; hướng tới xây dựng địa phương trở thành điểm nhấn về phát triển cây ăn trái, tập trung vào các loại cây như xoài cát chu, xoài Nam Mỹ, bưởi đắng, chuối già, mít Thái và chanh.
Nafoods Group cũng cho biết sẽ phát triển vùng cây ăn trái với diện tích 10.000 ha tại hai huyện Tân Châu và Tân Biên theo hướng vùng nguyên liệu an toàn để xuất khẩu tới các thị trường khó tính.
5. Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035
Ngày 5.9.2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 1099/QĐ- TTg, phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035.
Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen nằm trên địa bàn phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân thuộc thành phố Tây Ninh và một phần của xã Suối Đá, xã Phan thuộc huyện Dương Minh Châu. Quy mô lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là 2.903,79 ha, quy mô đất xây dựng các khu chức năng đạt khoảng 1.000 ha.
Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được quy hoạch cụ thể gồm: đất các khu chức năng hỗn hợp phục vụ du lịch tổng diện tích 1.177,42 ha; đất dân cư thương mại phục vụ khu du lịch tổng diện tích 78,15 ha; đất hạ tầng kỹ thuật tổng diện tích 101,72 ha; đất khác (đất rừng và đất nông nghiệp) tổng diện tích 1.546,5 ha.
6. Vincom Tây Ninh - điểm nhấn giữa lòng Thành phố
Ngày 24.12, Tập đoàn Vingroup chính thức khai trương tổ hợp Trung tâm thương mại Vincom Plaza, khách sạn 5 sao Vinpearl và nhà phố thương mại tại thành phố Tây Ninh.
Toạ lạc tại trung tâm của thành phố Tây Ninh, tổ hợp này có mặt tiền tiếp giáp với những tuyến đường huyết mạch, thuận tiện di chuyển đến các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ninh núi Bà Đen, hồ đá Ma Thiên Lãnh, hồ Dầu Tiếng... Nổi bật trong tổng thể dự án là toà tháp khách sạn Vinpearl Hotel cao 21 tầng - “nóc nhà” của Tây Ninh - được thiết kế với kiến trúc tân cổ điển sang trọng.
Công trình có ý nghĩa không chỉ thúc đẩy ngành thương mại và dịch vụ của tỉnh phát triển, mà còn là công trình có quy mô đầu tư lớn, tạo cú hích, điểm nhấn có sức lan toả về đô thị và tạo diện mạo mới cho thành phố Tây Ninh
- một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại và phấn đấu trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025.
7. Saigon Co.op khánh thành siêu thị thứ 6 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2018, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh
(SaiGon Co.op) khai trương siêu thị Co.opmart tại huyện Châu Thành. Đây là siêu thị thứ 6 của Saigon Co.op tại Tây Ninh.
Trước đó, Saigon Co.op cũng đã khai trương siêu thị tại thị trấn huyện Gò Dầu và cam kết sẽ đầu tư xây dựng siêu thị phức hợp hiện đại tại huyện Bến Cầu.
8. Ngành Y tế chuyển mình
Ngoài việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và các năm sau, trong năm 2018, Tây Ninh có thêm 2 dự án bệnh viện đa khoa do các doanh nghiệp đầu tư.
Dự án đầu tiên là công trình Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng tại Hoà Thành, do Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại công nghệ dịch vụ Hùng Duy khởi công vào ngày 26.4.2018, được đầu tư theo tiêu chuẩn “bệnh viện khách sạn” với trang thiết bị y tế hiện đại, tối tân cùng chất lượng điều trị cao.
Dự án được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô xây dựng 5 tầng, diện tích xây dựng khoảng 40 ngàn m2, công suất phục vụ 300 giường bệnh với tổng số vốn đầu tư khoảng 460 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai với quy mô 300 giường bệnh. Tổng vốn đầu tư dự án này là 860 tỷ đồng.
Ngày 10.10.2018, Công ty cổ phần đầu tư bệnh viện Xuyên Á tổ chức khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh tại ấp Trâm Vàng 3, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, với quy mô hơn 1.000 giường bệnh, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng. Dự kiến, khi đưa vào hoạt động, bệnh viện có thể đáp ứng 2.000 - 3.000 lượt khám ngoại trú và 1.000 bệnh nội trú điều trị mỗi ngày, với 25 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 18 phòng mổ đạt chuẩn quốc tế.
9. Khởi công dự án tưới khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, các công trình giao thông trọng điểm và triển khai Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1-2-3
Sáng 27.4, tại ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành diễn ra lễ khởi công Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục công trình chính như hệ thống kênh chuyển nước dài 16,67km (trong đó, hơn 2,3km là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông); tuyến kênh tưới chính dài 29,41km và hệ thống kênh cấp 1 có tổng chiều dài trên 71km, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng qua hệ thống kênh Tây và kênh TN21 về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cải thiện hạ tầng nông thôn, môi trường sinh thái, phát triển công nghiệp, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Ngày 29.8, UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công các công trình giao thông trọng điểm kết nối 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương: Dự án kết nối đường 784 (Tây Ninh) với đường 744 (Bình Dương); Dự án nâng cấp, mở rộng đường 782- 784 (đoạn từ tuyến tránh quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình). Trong những ngày cuối tháng 12.2018, dự án nâng cấp mở rộng đường 781 đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương, kết nối huyện Dương Minh Châu - tỉnh Tây Ninh và huyện Dầu Tiếng - tỉnh Bình Dương cũng đã khởi động.
Từ cuối tháng 7.2018, hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu đã khẩn trương giải toả, bàn giao mặt bằng để triển khai Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3. Theo đó, Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 nằm trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu và xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, có quy mô 216 ha, công suất 150 MW, tổng vốn đầu tư khoảng gần 4.000 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 2 toạ lạc tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, có quy mô 288 ha, công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 nằm trên địa bàn hai xã Tân Hưng, Tân Phú, huyện Tân Châu, có quy mô 216 ha, công suất 150 MW, tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng.
10. Tuần lễ văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ II năm 2018
Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng khai mạc vào tối 20.12, bế mạc vào ngày 25.12, tại sân vận động huyện. Lễ hội lần này có trên 240 gian hàng trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu về sản phẩm làng nghề bánh tráng phơi sương, ẩm thực vùng miền, thương mại, du lịch. Trong lễ hội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Khu triển lãm thực hành nghề làm bánh tráng phơi sương; biểu diễn nghề làm bánh tráng phơi sương; biểu diễn nghệ thuật đặc sắc; không gian hoa anh đào, tạo tuyết rơi.
Đặng Hoàng Thái
(thực hiện)