Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh: Phấn đấu có tối thiểu 50% người dân và du khách được sử dụng hệ thống wifi công cộng
Thứ hai: 16:32 ngày 07/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 3.9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1920/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án Xây dựng Chính quyền số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2025, đưa Tây Ninh vào nhóm 15 tỉnh nhóm đầu về sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT Index) hoặc có điểm số trung bình tối thiểu là 0,500 vào năm 2025 (năm 2019 đạt 0,4582 điểm, xếp hạng thứ 25); hoàn thiện khung kiến trúc CQĐT tỉnh 2.0.

Hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử;

100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; phấn đấu đạt 50% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin từ cấp tỉnh tới cơ sở;

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 60%; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính;

100% các khu vực đông dân cư, các trường học, bệnh viện, khu du lịch trên địa bàn thành phố Tây Ninh có hệ thống wifi công cộng; tối thiểu 50% người dân và du khách được sử dụng hệ thống wifi công cộng;

Hoàn thành việc xây dựng, liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, tập trung, quản lý chuyên ngành của tỉnh, bao gồm: Đất đai, Dân cư, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm, Cán bộ công chức viên chức, Du lịch, Y tế, Giáo dục, Xây dựng, nông nghiệp, môi trường, … kết nối đồng bộ về trung tâm giám sát điều hành tập trung của tỉnh; hoàn thiện các chức năng trung tâm giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung của tỉnh theo định hướng về đô thị thông minh của Trung ương, tập trung vào một số dịch vụ thông minh.

Đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tối thiểu có 02 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh.

Trong đó, Đề án tập trung 7 nhiệm vụ chính bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền số tỉnh phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ số; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực, có hiệu quả; xây dựng Chính quyền số bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền số; thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.

Đề án triển khai thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 2020 – 2022: nâng cấp, mở rộng nền tảng Chính quyền điện tử và thiết lập nền tảng ban đầu của Chính quyền số trên cơ sở các giải pháp đã có về Chính quyền điện tử. Tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên về hạ tầng, tích hợp dữ liệu, kết nối với người dân, điều hành kinh tế xã hội, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, du lịch.

Giai đoạn 2023-2025: Xây dựng nền tảng Chính quyền số trên cơ sở các giải pháp đã có về Chính quyền điện tử.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến 596 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương (chương trình mục tiêu CNTT) và ngân sách địa phương và một số nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đề án đưa ra khung kế hoạch tổng thể và xác định một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản của Chính quyền số tỉnh Tây Ninh cho giai đoạn đến hết năm 2025, trong đó có lồng ghép một số nhiệm vụ chuyển đổi số cho một số ngành trọng điểm của tỉnh và một số dịch vụ ban đầu của đô thị thông minh theo định hướng của Chính phủ về Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh ở Việt Nam đến năm 2030...

LA

Tin cùng chuyên mục