Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 15.9, Sở LĐTB&XH phối hợp Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) tổ chức tổng kết dự án "Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật” (DISTINCT) năm 2017 và triển khai kế hoạch dự án năm 2018 tại tỉnh Tây Ninh.
Ông Lê Quang Dương- Giám đốc VietHealth phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án DISTINCT năm 2017 tại tỉnh Tây Ninh. |
Dự án được triển khai tại tỉnh Tây Ninh từ tháng 8.2016, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Viethealth.
Mục đích của dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình của trẻ thông qua mô hình can thiệp toàn diện về phát hiện sớm, can thiệp sớm (mô hình ECDDI) cùng với các dịch vụ y tế, giáo dục và phát triển, hòa nhập xã hội.
Sau 1 năm triển khai, dự án đã phối hợp với cán bộ tuyến xã, tuyến huyện của Sở LĐTB&XH, Sở Y tế, Sở GĐ&ĐT tiến hành sàng lọc cho 53.527 trẻ (từ 0 đến 6 tuổi) tại TP.Tây Ninh và các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Hòa Thành, Tân Biên, Tân Châu.
Trong đó, 2.945 trẻ nghi ngờ khuyết tật, 2.143 trẻ được khám, đánh giá lần 2; phát hiện 1.020 trẻ khuyết tật cần được can thiệp.
Hiện tại, dự án đang tiến hành can thiệp cho 243 trẻ khuyết tật về giáo dục đặc biệt và phục hồi chức năng; 33 trẻ được giới thiệu chuyển tuyến, đồng thời gấp rút đẩy mạnh tiến độ can thiệp cho hơn 1.100 trẻ khuyết tật đang có nhu cầu được hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, Tây Ninh là 1 trong 7 tỉnh được chọn triển khai dự án DISTINCT, bao gồm các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ 3 Sở trong việc xác định nhu cầu về nguồn nhân lực, triển khai các mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm (sàng lọc, khám và can thiệp) trẻ khuyết tật từ 0 đến 6 tuổi trên toàn tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện năm 2017 (từ tháng 10.2016 đến 9.2017) trên 460.000 USD.
Ông Lê Quang Dương- Giám đốc Viethealth cho biết, việc phát hiện, can thiệp sớm có thể giúp giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật ở trẻ em từ 0 đến 6 tuổi, giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho gia đình các em.
Đồng thời củng cố quan hệ hợp tác giữa 3 ngành y tế, giáo dục và lao động trong việc hỗ trợ cho trẻ khuyết tật và gia đình; nâng cao nhận thức về khuyết tật và quyền của trẻ khuyết tật.
Hoạt động sàng lọc cộng đồng tại một trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Tân Châu. |
Để đảm bảo chất lượng và kết quả tốt nhất cho trẻ khuyết tật, các chuyên gia của dự án xây dựng kế hoạch can thiệp dựa trên loại và mức độ khuyết tật cụ thể của từng trẻ.
Từ đó, trao đổi cùng phụ huynh hoặc người chăm sóc và các cán bộ hỗ trợ (giáo viên mầm non, cán bộ y tế…) để thống nhất và cùng thực hiện chương trình can thiệp riêng biệt cho từng trẻ, bao gồm một hoặc nhiều hơn các hoạt động, như phục hồi chức năng, giáo dục đặc biệt, hỗ trợ chuyển tuyến, hỗ trợ trang thiết bị…
Ông Dương cho biết, các kết quả của dự án DISTINCT khi triển khai được USAID ghi nhận và đánh giá cao, bằng chứng thuyết phục nhất là dự án đã được USAID gia tăng kinh phí hỗ trợ cũng như kéo dài thời gian thực hiện thêm 3 năm, tới năm 2020.
Năm 2018, tổng kinh phí dự kiến của dự án tại Tây Ninh trên 25 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động tổ chức sàng lọc trẻ khuyết tật tại 3 huyện Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng; tiếp tục khám, đánh giá trẻ nghi ngờ khuyết tật sau sàng lọc cộng đồng; can thiệp giáo dục đặc biệt, phục hồi chức năng, chuyển tuyến, hỗ trợ thiết bị cho khoảng 1.150 trẻ khuyết tật có nhu cầu, xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển trung tâm nguồn lực về giáo dục đặc biệt…
Tâm Giang