Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh và các tỉnh cấm sử dụng những giống nhạy cảm với bệnh, ví dụ như HLS bởi giống này dù có tỷ lệ nhiễm quá cao, sẽ làm lây lan cho những giống mì khác.
Nông dân chuẩn bị đất để trồng mì.
Theo BCÐ phòng chống bệnh khảm lá mì, vụ Ðông Xuân 2019-2020, có 4 địa phương (Trảng Bàng, Bến Cầu, TP. Tây Ninh và Tân Biên) không sử dụng mì HLS-11 làm giống. Diện tích xuống giống tập trung và sạch bệnh là 3.906 ha trên địa bàn các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên và Tân Châu.
Vụ Hè Thu 2020, có 3 huyện không sử dụng mì HLS-11 làm giống. Diện tích xuống giống HLS-11 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,8% so vụ Hè Thu 2019). Vụ Mùa 2020, đang xuống giống, hiện chỉ có huyện Dương Minh Châu trồng giống HLS-11.
Diện tích sử dụng giống mì sạch bệnh, xuống giống tập trung giảm so năm 2019 là do cây mì ở nhiều địa phương ngoài tỉnh đã bị nhiễm bệnh, khó tìm được cây mì ở vùng chưa nhiễm bệnh để thu mua, tốn kém chi phí vận chuyển...
Bệnh khảm lá mì được phát hiện gây hại đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào tháng 5.2017 tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu. Ðến nay, với sự nỗ lực của ngành chức năng, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh, tình hình bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh đã có những điểm tích cực, diện tích nhiễm nặng giảm mạnh, góp phần giữ được năng suất, sản lượng.
Tính đến ngày 12.11.2020, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 56.000 ha. Diện tích mì nhiễm bệnh khoảng 43.331 ha. Trong đó, nông dân đã thu hoạch 23.439 ha, diện tích nhiễm bệnh còn trên đồng khoảng 19.892 ha.
Ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, nông dân thường trồng 1 vụ lúa, 1 vụ mì, diện tích cây mì hằng năm trên địa bàn xã khoảng 3.500 ha. Hiện nay, nông dân bắt đầu xuống giống, trong đó diện tích đã xuống giống trên 10% (khoảng 400 ha).
Ông Lê Minh Phương - Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2019, diện tích cây mì nhiễm bệnh khảm lá của địa phương ít, mức độ nhiễm nhẹ do người dân sử dụng giống sạch bệnh. Ðịa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và người dân cũng nhận thức được, tìm nguồn giống sạch bệnh về trồng.
Nhiều người trồng diện tích lớn và thương lái địa phương đi đến các vùng không dịch để khảo sát mì, mua cây giống về bán lại cho nông dân. Do đó, năm rồi, cây mì ở xã có năng suất rất cao, có diện tích lên đến 45 tấn/ha.
Cây mì xuống giống được 1 tháng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.
Anh Ðào Văn Phương (ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh) cho biết, diện tích trồng mì của gia đình anh gần 10 ha, đã xuống giống xong. Năm ngoái, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá của gia đình anh chỉ khoảng 1 ha với mức độ nhẹ do anh đã xử lý và chọn giống kỹ từ ban đầu. “Cây giống đưa về nếu xác định là cây bệnh thì mình không trồng. Lá cây phải còn xanh và thẳng, mắt cây phải nhặt, cây không có lá hoặc lá nhăn là không lấy. Ðây là cách mình chọn cây giống”- anh Phương chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), công tác thông tin tuyên truyền đã thay đổi nhận thức của một bộ phận người sản xuất trong việc sử dụng nguồn giống sạch bệnh để trồng, từng bước loại bỏ giống mì nhiễm bệnh nặng như HLS-11.
Ðiển hình như ở huyện Dương Minh Châu, vụ Ðông xuân 2018 - 2019 có khoảng 80% người dân sử dụng nguồn giống sạch bệnh (chủ yếu là KM 94) ngoài tỉnh và người cung cấp cam kết cây giống không có bệnh.
Trong 10 tháng năm 2020, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá nặng chỉ chiếm dưới 1% diện tích nhiễm và đã giảm mạnh - khoảng 95,8% so với năm 2019. Nguyên nhân là nhờ áp dụng nhiều giải pháp như: một số vùng, khu vực triển khai xuống giống tập trung với nguồn giống sạch bệnh; hạn chế trồng giống nhiễm bệnh nặng (HLS-11); chăm sóc, tưới nước đầy đủ trong điều kiện khô giúp cây sinh trưởng tốt, ít thiệt hại năng suất cuối vụ; luân canh (vụ lúa - vụ mì/rau màu), chuyển đổi cây trồng khác để cắt, giảm nguồn bệnh khảm lá.
Ngoài ra, việc xuống giống tương đối đồng loạt trên vùng, khu vực; việc nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc trừ bọ phấn trắng hạn chế truyền bệnh giai đoạn dưới 3 tháng tuổi…
Mặc dù áp lực bệnh trong vùng cao làm lây nhiễm chéo và tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở giai đoạn 4 - 5 tháng tuổi, nhưng năng suất cuối vụ ảnh hưởng không đáng kể. Bước đầu, cơ quan nghiên cứu đã tuyển chọn được một số dòng kháng bệnh để cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ nhân giống phục vụ sản xuất ngay khi được công nhận.
Ông Nguyễn Ðình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong 3 năm qua, bệnh khảm lá mì đã lây lan rất mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chính quyền cùng với người dân đã có những giải pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.
Chúng ta đã chọn được những giống có mức độ nhiễm bệnh từ trung bình đến nhẹ; thực hiện giải pháp canh tác, bảo vệ tổng hợp cho nên phần lớn diện tích nhiễm hiện nay tương đối nhẹ đến trung bình, diện tích nhiễm nặng rất ít, năng suất vẫn giữ được từ 30 - 40 tấn/ha với hàm lượng tinh bột bình quân khoảng 26 - 28 chữ bột.
Nông dân chặt hom mì.
Thông tin thêm về tình hình nghiên cứu giống cây mì mới, ông Xuân cho biết, Tây Ninh đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu khảo sát giống kháng bệnh, đã triển khai trên 200 giống, trong đó, một nửa là nhập những giống mới cùng với giống trong nước trồng đại trà.
Trong số 200 giống này, các nhà khoa học phát hiện có 8 giống có khả năng kháng rất mạnh với bệnh khảm lá, đặc biệt có 2 giống HN3 và HN5 vừa giải quyết được vấn đề khảm và năng suất ban đầu rất tốt, có thể hứa hẹn nhân giống lên hoặc lai tạo với những giống hiện hữu để tạo ra những giống vừa kháng bệnh, vừa có năng suất chất lượng tốt và góp phần đẩy lui dịch bệnh này.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo (BCÐ) phòng, chống bệnh khảm lá mì. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo, trong khi chờ phát triển những giống mì mới, tỉnh cần quản lý tốt những giống hiện có, từng bước đưa những giống sạch bệnh về, làm giảm những giống nhiễm bệnh trong tỉnh. Ðặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh và các tỉnh cấm sử dụng những giống nhạy cảm với bệnh, ví dụ như HLS bởi giống này dù có tỷ lệ nhiễm quá cao, sẽ làm lây lan cho những giống mì khác.
Trúc Ly
Bệnh khảm lá vẫn còn gây hại trên diện rộng tại tất cả các vùng trồng mì trên địa bàn tỉnh. Cây mì là cây trồng chủ lực, nguồn tiêu thụ ổn định, sản xuất có lãi so với một số loại cây trồng khác. Mùa vụ sản xuất liên tục tạo thuận lợi cho tiêu thụ nhưng là nguyên nhân chính làm lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp như xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực sản xuất; sử dụng nguồn giống sạch bệnh, giống ít nhiễm bệnh; phun thuốc trừ bọ phấn giai đoạn mọc mầm đến 3 tháng để hạn chế bệnh hại; tiêu huỷ cây mì bị bệnh và tàn dư sau thu hoạch, không sử dụng cây trên ruộng bệnh để làm giống.