Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 25.11, Ban Kinh tế- ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp lần thứ 14. Ông Mai Văn Hải – Trưởng ban chủ trì.
Tham dự cuộc họp có Thường trực HĐND tỉnh, đại diện Sở Tài Chính, các ban của HĐND tỉnh.
Ông Mai Văn Hải, Trưởng Ban Kinh tế- ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Kinh tế- ngân sách tỉnh cho ý kiến về các nội dung: Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán thu chi ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2018; Dự thảo Nghị quyết về thu chi ngân sách địa phương năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 3 năm tỉnh Tây Ninh 2020 – 2022; Dự báo Nghị quyết về phê chuẩn phân bố ngân sách địa phương năm 2020; Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết tăng vốn điều lệ qũy đầu tư phát triển Tây Ninh giai đoạn 2020 – 2025; Báo cáo kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND tỉnh.
Đối với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2018 do Sở Tài chính trình bày, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế- ngân sách cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo nghị quyết với một số nội dung trọng tâm như: Tổng thu ngân sách địa phương là 11.010,4 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo dự toán HĐND tỉnh giao là 7.673 tỷ đồng, đạt 111,1% so với dự toán (tăng 11,1%- tương ứng 766 tỷ đồng).
Tổng chi ngân sách địa phương là 10.528,4 tỷ đồng, tăng 24,7 so với dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó chi cân đối ngân sách là 7.461,5 tỷ đồng (tăng 3,8%), chi đầu tư phát triển (tăng 14% so với dự toán, chiếm 33,3% chi cân đối) và chi thường xuyên (tăng 1,9% với dự toán, chiếm 66,5% chi cân đối).
Theo Ban Kinh tế- ngân sách, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành dự toán HĐND tỉnh giao; bảo đảm đáp ứng các nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chú trọng tăng chi cho đầu tư phát triển, dành nguồn chi trả nợ và lãi vay, quan tâm bố trí bổ sung kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông.
Tuy nhiên, qua kết quả đánh giá thực hiện thu, chi ngân sách năm 2018, vẫn còn một số vấn đề hạn chế trong khai thác, quản lý, điều hành ngân sách địa phương cần được quan tâm khắc phục. Mặc dù ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt so với dự toán nhưng vẫn còn 4/15 khoản thu chưa đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh, các khoản thu từ sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nội địa nên vẫn chưa bền vững. Do đó, cần phải có giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, xử lý các hành vi gian lận, chiếm dụng thuế, chống thất thu…
Đối với báo cáo thẩm tra về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách năm 2020. Ban Kinh tế- ngân sách đánh giá cao tình hình ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2019. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tăng 17,1% dự toán, trong đó thu nội địa tăng 8,8% dự toán, với 12/14 khoản thu đạt và vượt so với dự toán. Đây cũng là năm đầu tiên trên địa bàn tỉnh có 9/9 huyện, thành phố đều thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao; chi ngân sách đảm bảo chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, hầu hết các khoản chi đều đạt và vượt so với dự toán, đảm bảo dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển (tăng 18,1% dự toán), chi trả nợ gốc và lãi vay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ước thực hiện ngân sách nhà nước 2019 vẫn còn những hạn chế: còn 4/16 khoản thu không đạt dự toán; một số nguồn vốn tiến độ phân khai và giải ngân còn chậm, tập trung vào những tháng cuối năm (như nguồn xổ số kiến thiết, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, nguồn vốn nước ngoài); chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề tuy có tăng 4,6% dự toán nhưng giảm 23,9% so cùng kỳ; hiện nay nhu cầu chỉnh trang đô thị và nâng cấp, sửa chữa đường giao thông là rất lớn nhưng kinh phí bố trí tăng chi sự nghiệp giao thông, sự nghiệp kiến thiết thị chính còn hạn chế. Trong quá trình điều hành ngân sách, đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn cho các lĩnh vực này.
Về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2020, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2020 trình tại kỳ họp với một số nội dung: dự toán thu ngân sách địa phương năm 2020 là 10.677,2 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước 9.650 tỷ đồng- tăng 20,6% so với dự toán 2019, gồm thu nội địa 8.950 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 700 tỷ đồng; tăng 828 tỷ đồng so với Bộ Tài chính giao (các khoản thu từ đất 728 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết 50 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 50 tỷ đồng).
Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2019 là 10.823,5 tỷ đồng- tăng 23% so với dự toán 2019, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương là 9.875,31 tỷ đồng, chi chương trình mục tiêu, nhiệm vụ 948,19 tỷ đồng. Bội chi ngân sách địa phương năm 2019 là 146,3 tỷ đồng.
Phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2020: Ngân sách tỉnh thu 7.108,4 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, xã thu 2.541,6 tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách cấp tỉnh theo lĩnh vực cho từng cơ quan, đơn vị là 6.445,73 tỷ đồng; dự toán ngân sách cấp huyện, xã 4.377,77 tỷ đồng, trong đó chi bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, xã là 1.506,29 tỷ đồng.
Chi trả nợ gốc năm 2019 các khoản vay là 16,8 tỷ đồng. Sử dụng 70% nguồn thu tiền sử dụng đất (408 tỷ đồng) để bố trí chi đầu tư xây dựng cơ bản; 10% chi thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế khác và trích 20% lập Quỹ phát triển đất.
Nhìn chung, dự toán thu chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2020 được xây dựng trên cơ sở ước khả năng thực hiện dự toán ngân sách năm 2019, đảm bảo các tiêu chuẩn, chế độ, định mức phân bổ ngân sách hiện hành, phù hợp với tình hình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi ngân sách, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, nâng cao khả năng cân đối ngân sách địa phương, trong đó quan tâm bố trí tỷ lệ tăng hợp lý cho chi đầu tư phát triển, bố trí nguồn chi bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và bố trí nguồn chi trả nợ lãi vay.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Tài chính cũng giải trình những vấn đề được các đại biểu đặt ra xung quanh các dự thảo tờ trình, báo cáo được đưa ra thẩm tra tại cuộc họp.
Thế Nhân