Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thắp sáng ước mơ
Thứ hai: 09:49 ngày 18/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi làm việc hoặc chơi đùa cùng con gái, chị Lê Thị Nhung (34 tuổi, ngụ ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) thỉnh thoảng lại ngâm nga vài câu hát vui tươi.

Chị Nhung từ khi sinh ra đã bị khiếm thị. Thế nhưng, không hề bi quan, chị luôn nhìn và cảm nhận cuộc đời một cách trong trẻo, đầy tình yêu thương và dịu dàng.

Học để đeo đuổi ước mơ

Chị Nhung là một trong những học viên đầu tiên của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh. Chị được dạy kỹ năng sinh hoạt, được tạo điều kiện học hành. Hết cấp hai, chị không chuyển hướng học nghề mà cùng chị gái- cũng là một người khiếm thị, xuống Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục việc học. Hai chị em cùng học hết cấp ba rồi cùng thi đại học.

Chị Nhung tham gia biểu diễn văn nghệ.

“Lúc đó, tôi có nhiều ước mơ lắm. Tôi thích được ca hát, học báo chí, nhưng hơn hết là tôi thích làm giáo viên. Đó là mong ước của tôi từ thuở còn bé”- chị Nhung chia sẻ.

Kết quả thi đại học năm đó, chị Nhung đậu vào Khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và một trường cao đẳng về nghệ thuật.

Chị chọn học Đại học Sư phạm. Là một trong hai sinh viên khiếm thị của khoa năm đó, chị Nhung phải nỗ lực gấp đôi người thường để hoàn thành chương trình học. Đã nhiều năm qua, nhưng chị Nhung vẫn còn nhớ những lần ướt lạnh co ro vì không thấy đường để tìm chỗ trú mưa; những lần đến giảng đường trễ do lạc đường. Người sáng mắt có thể đọc giáo trình, xem trình chiếu nhưng chị Nhung thì không thể.

Vậy là chị dành nhiều thời gian miệt mài ngồi nghe ghi âm hoặc chép lại giáo trình. “May mắn tôi luôn có bạn bè quan tâm, hỗ trợ đến lớp, đọc giúp giáo trình”- chị Nhung vui vẻ kể.

Chị Nhung kiểm tra sản phẩm làm xong.

Những khó khăn ngày đó khó mà có thể kể hết, nhưng cô gái khiếm thị vì tình yêu quá lớn với việc học nên luôn nỗ lực để vượt qua. Chị tập quen với việc cảm nhận, ghi nhớ tuyến đường khi ngồi trên xe buýt, tìm kiếm tài liệu trên mạng. Khi đi xe buýt, chị vừa ngồi xe vừa xỏ hạt để không ngủ quên, trễ giờ học.

Ra trường, chị làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh hai năm. Trong khoảng thời gian này, chị học thêm âm nhạc. Chị tham gia cuộc thi Hát mãi ước mơ để có chi phí phụ giúp gia đình; nhận show đi biểu diễn để có thêm thu nhập. Việc ca hát đã giúp chị có nhiều buổi biểu diễn lớn nhỏ khác nhau, được tham gia nhiều chương trình giao lưu văn hoá…

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Sau dịch Covid-19, chị Nhung thôi việc do nơi chị làm việc cắt giảm nhân sự. Chị chia sẻ: “Lúc đầu tôi buồn và hụt hẫng vì mình đã nỗ lực rất nhiều, ước mơ lại dang dở. Nhưng tôi sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt nên đã luôn chuẩn bị sẵn tâm lý, cái gì đạt được thì mừng, nếu không được cũng chỉ buồn một chút rồi thôi!”.

Chị Nhung và mẹ.

Rồi chị cũng tìm được việc làm mới, có thêm những niềm yêu thích mới. Chị học cổ nhạc, tham gia cuộc thi tài năng cải lương “Bông lúa vàng”. Chị còn nhận xỏ móc khoá để có thêm thu nhập.

Trước đây khi còn ở Trung tâm của tỉnh, sau là mái ấm tại Thành phố Hồ Chí Minh, được các cô dạy xỏ hạt, nên chị có thể tự làm ra sản phẩm bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong một lần đi hát, chị nhận làm gia công cho một điểm bán hàng lưu niệm. Công việc này chị đã giới thiệu thêm cho 2 người bạn khiếm thị cùng làm.

Năm 2021, chị Nhung được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Châu. Bỡ ngỡ, lo lắng vì đây là công việc hoàn toàn mới, nhưng sau một thời gian công tác, với sức trẻ, sự nhiệt tình, chị Nhung dần tự tin hơn, thực hiện ngày càng nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho tổ chức Hội và hội viên.

Chị cho biết đến giờ vẫn mơ ước được đi dạy nhưng vì cuộc sống nên buộc phải thay đổi cho phù hợp. “Tôi sẽ cố gắng làm việc, sau này khi cuộc sống tốt hơn sẽ mở lớp dạy nhạc miễn phí cho các em nhỏ. Đó cũng là cách tôi nuôi dưỡng đam mê của mình- được ca hát và dạy học”- chị tâm sự.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục