Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong kho tàng di sản văn hoá các dân tộc, lễ hội Chol Chnam Thmay (Tết năm mới) với những sắc màu văn hoá Khmer sẽ là một điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi liên kết phát triển du lịch của tỉnh nhà trong tương lai không xa.
Đưa lễ hội, di sản văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số vào hành trình phát triển du lịch là xu hướng tất yếu. Trong kho tàng di sản văn hoá các dân tộc, lễ hội Chol Chnam Thmay (Tết năm mới) với những sắc màu văn hoá Khmer sẽ là một điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi liên kết phát triển du lịch của tỉnh nhà trong tương lai không xa.
Theo ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), thời gian qua, Sở đã thực hiện nhiều biện pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản lễ hội Chol Chnam Thmay (Lễ hội).
Hiểu hơn về giá trị di sản
Chỉ riêng trong năm 2024, Sở VH,TT&DL phối hợp cùng Phân viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi toạ đàm “Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống Chol Chnam Thmay trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng”; phối hợp cùng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VH,TT&DL) tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy về bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) trong đồng bào Khmer.
Đồng bào Khmer ở Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh biểu diễn vũ điệu truyền thống mừng năm mới.
Đặc biệt, Sở đã cùng Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL) xây dựng mô hình “Kết nối di sản lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer trong hành trình du lịch di sản” trên địa bàn thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Tham gia vào mô hình, bà con đã nhận rõ ý nghĩa của Lễ hội, tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản văn hoá Chol Chnam Thmay của đồng bào mình. Các nghệ nhân, những người am hiểu về di sản của cộng đồng đã bắt tay “mở lớp” trao truyền di sản cho thế hệ trẻ.
Ở xóm Bàu Ếch (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) có vài chục ngôi nhà của đồng bào Khmer. Nhiều năm trước, việc làm cốm dẹp trong những ngày lễ, tết vẫn diễn ra thường xuyên. Nhưng từ khi máy chà lúa xuất hiện, việc giã lúa lấy gạo trong xóm dần ít đi và nay gần như không còn ai làm cốm dẹp.
Đồng bào Khmer trình diễn chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên vào dịp Tết năm mới.
“Hồi xưa đâu có máy chà, phải giã gạo trong cối bằng tay. Bọn trẻ sau này không biết được đâu. Nên phải làm lại cho tụi nhỏ biết, không quên truyền thống” - bà Cao Thị Diên, 70 tuổi nói.
Vậy là chiếc cối gỗ hàng chục năm trước được mang ra. Lúa ngoài đồng khi vừa chín cong ngọn được cắt về nhà, đập lấy những hạt chắc mẩy. Rồi bà con chọn ngày cuối tuần, khi mọi người được nghỉ làm, nghỉ học, cùng tụ tập tại nhà bà Cao Thị Pho La làm cốm dẹp.
Chị Cao Thị Hà, 21 tuổi cho biết, cốm dẹp là món ăn truyền thống của người Khmer. Trước đây, gia đình chị chỉ mua về làm dâng lễ cúng. Đây là đầu tiên chị biết từng công đoạn làm cốm dẹp. “Kỳ công lắm. Lúa cắt về, đập lấy hạt, cứ để lúa tươi vậy đem rang lên.
Khi vài hạt nổ bung thành cốm, là lúa đã chín giòn, đem đổ vào cối và giã ngay. Giã phải thiệt mạnh, cốm mới dẻo, mới ngon. So với đi mua, làm cực hơn nhưng mà vui và quan trọng là để người trẻ như mình có thể chế biến món ăn truyền thống”- chị Hà chia sẻ.
Chị Cao Thị Vanh Tha (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) sau khi được già làng Cao Văn Ươn dạy cách làm những lễ vật tế lễ, đã có thể tự tin tự tay mình làm cúng tổ tiên vào dịp Tết năm mới. Chị Vanh Tha cho biết, hằng năm, người Khmer vẫn tổ chức Lễ hội, vì đó là truyền thống mà cha ông truyền lại, là nhu cầu của cộng đồng để cầu bình an và may mắn.
Tuy nhiên, mọi người chỉ làm như một thói quen mà chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống. Khi được tham gia các lớp tập huấn của Sở VH,TT&DL, chị mới hiểu rằng Lễ hội của dân tộc Khmer chính là di sản văn hoá phi vật thể quý giá, không chỉ của riêng đồng bào mà của cả 54 dân tộc anh em ở Việt Nam.
“Chúng tôi cảm ơn và thấy rất tự hào khi được sự quan tâm của Nhà nước đối với lễ hội Chol Chnam Thmay của dân tộc mình. Càng tự hào, chúng tôi càng có ý thức để gìn giữ, trao truyền và thực hành Lễ hội thường xuyên, đúng bài bản. Chúng tôi hy vọng một ngày không xa, di sản của dân tộc Khmer sẽ góp phần vào quá trình phát triển du lịch của tỉnh mình”- chị Vanh Tha nói.
Khơi dậy tiềm năng du lịch từ Lễ hội
Những năm gần đây, du lịch Tây Ninh khởi sắc với đông đảo du khách đến tham quan, bái Phật. Trong năm 2024, có khoảng 5,6 triệu du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch (tăng 9,7% so với cùng kỳ); doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 24% so cùng kỳ).
Nghi lễ tắm Phật được cộng đồng người Khmer Tây Ninh giữ gìn và thực hành suốt nhiều năm qua.
Hiện nay, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen chiếm khoảng 98% lượng khách du lịch đến Tây Ninh, việc phát triển những “vệ tinh” xung quanh núi Bà để tăng thu hút là cần thiết. Và lễ hội Chol Chnam Thmay của bà con Khmer Tây Ninh là một trong những “điểm nhấn” có thể xây dựng, phát triển thành “vệ tinh” trong hành trình phát triển du lịch di sản. Không gian văn hoá của đồng bào Khmer với nhịp sống hằng ngày, những món ăn đặc trưng, những vũ điệu truyền thống, tiếng trống Chhay-dăm… sẽ là “tài sản” quý giá để xây dựng chuỗi liên kết phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuấn- giảng viên Trường đại học Văn hoá (Thành phố Hồ Chí Minh) trong một lần trao đổi với bà con Khmer tại Tây Ninh về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đã gợi ý: “Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta phải là những người tự tay làm ra những đặc sản của chính dân tộc mình; phải tạo nên không gian văn hoá truyền thống của đồng bào để quảng bá rộng rãi đến mọi người thông qua các kênh mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube… Bà con hãy kể những câu chuyện văn hoá của chính mình, đó sẽ là chất liệu thực tế nhất, hấp dẫn nhất thu hút du khách tìm đến Tây Ninh”.
Chị Keo Onl- người có uy tín của đồng bào Khmer ở xã Hoà Hội, huyện Châu Thành cho biết, trong lễ hội Chol Chnam Thmay, ngoài những nghi lễ, những điệu múa truyền thống, đồng bào Khmer còn chế biến những món ăn đặc sản. Đó là món bún sim-lo được chế biến từ những nguyên liệu dân dã, gần gũi; là đòn bánh tét với hương thơm ngọt ngào vị thốt nốt, hay món cốm dẹp, cơm lam được làm từ những hạt lúa, hạt nếp của người nông dân… Tất cả đã gắn liền với dòng chảy truyền thống bao đời nay của bà con Khmer nơi đây, trở thành di sản văn hoá đầy tự hào của dân tộc.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuấn nhắn nhủ: “Đồng bào dân tộc là chủ thể của di sản. Chúng ta phải ý thức gìn giữ, không những cho mình mà còn cho thế hệ sau. Di sản muốn được gìn giữ phải được thực hành liên tục. Đó sẽ là “vốn quý” để chúng ta khai thác, xây dựng thành điểm đến du lịch, kết nối tạo hành trình du lịch di sản mang lại những lợi ích thiết thực, hỗ trợ đời sống cho cộng đồng bà con”.
“Bà con chúng tôi vẫn dạy nhau, phải gìn giữ bản sắc dân tộc mình. Nên giờ để những món ăn, điệu múa của đồng bào tôi được nhiều người biết tới, chúng tôi rất sẵn lòng”- chị Keo Onl chia sẻ.
Đưa Lễ hội thành di sản phi vật thể cấp quốc gia
Từ những nỗ lực của Sở VH,TT&DL cùng niềm tự hào, ý thức dân tộc của đồng bào Khmer, đã có thêm nhiều hình ảnh, hoạt động, những câu chuyện văn hoá được chính đồng bào Khmer ghi lại và chia sẻ. Những thước phim, bức ảnh mộc mạc, chân phương đã truyền cảm hứng, lan toả sâu rộng văn hoá Khmer đến cộng đồng muôn nơi. Và đây cũng là nguồn tư liệu quý giá để Bộ VH,TT&DL công nhận lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer trên địa bàn Tây Ninh là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
“Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình ra Bộ VH,TT&DL. Hy vọng trong năm 2025, di sản lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ được ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, cùng với 7 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của Tây Ninh đã được ghi danh trước đây”, ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết.
Khi đó, lễ hội Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer không chỉ góp phần mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho Tây Ninh mà còn nâng cao lòng tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, giới thiệu với các cộng đồng có di sản tương đồng.
Khải Tường