Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Lấy ý kiến về dự thảo quy định dạy thêm, học thêm
Thứ ba: 21:38 ngày 22/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Một tiết học trong lớp học số tại trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha.

Dự thảo quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm bao gồm: trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 8 dự thảo quy định trách nhiệm của cơ sở dạy thêm như sau:

Cơ sở hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định về dạy thêm, học thêm bảo đảm đúng theo nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; các quy định về dạy thêm, học thêm được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 6 của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lý, sử dụng tiền học thêm theo quy định. Cơ sở dạy thêm quản lý, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định. Cơ sở dạy thêm tiếp nhận và xử lý ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện. Cơ sở dạy thêm báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Cơ sở dạy thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.

Điều 9 dự thảo quy định quản lý kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:

Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí dạy thêm, học thêm theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, kế toán và các quy định khác có liên quan.

Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Điều 10 dự thảo quy định kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm được thu từ người học thêm. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thoả thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Mức thu học phí và các khoản thu khác (nếu có) phải được thông báo công khai trước khi tổ chức lớp học và không được thay đổi giữa kỳ học mà không có sự đồng ý của phụ huynh học sinh. Mọi khoản thu phải có biên lai thu tiền và các chứng từ hợp lệ.

Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Theo Điều 12 (về xử lý vi phạm) cơ sở giáo dục, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định.

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phê bình, nhắc nhở, xử lý kỷ luật kịp thời cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý khi có vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm.

Về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, ngoài các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương các cấp , Điều 7 của dự thảo quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cụ thể, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục rà soát các đối tượng học sinh có nhu cầu học thêm theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT vào cuối học kỳ và cuối năm học. Thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm cho các đối tượng học sinh phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị, báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ ngân sách cho việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Thủ trưởng đơn vị huy động các nguồn tài chính hợp pháp hỗ trợ cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Quản lý giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.

Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.

Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; tiếp nhận và xử lý ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện. Định kỳ cuối học kỳ và cuối năm học, tổng hợp báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.

Tổng kinh phí thực hiện ước đến năm học 2029-2030 hơn 189 tỷ đồng, gồm: năm học 2024-2025 (học kỳ II) khoảng 24 tỷ đồng (THPT khoảng 10,7 tỷ đồng; THCS 13,3 tỷ đồng). Dự kiến kinh phí các năm học tiếp theo là 165 tỷ đồng (33 tỷ đồng/năm học).

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền, dạy thêm ngoài nhà trường phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Dự thảo lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 29.4.2025.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục