Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 204 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820-28/11/2024) Khoa học - động lực cho phát triển
Thứ sáu: 12:01 ngày 29/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ph.Ăng-ghen- người chiến sĩ cộng sản vĩ đại của nhân dân lao động tiến bộ trên toàn thế giới, là đồng chí, người bạn chiến đấu đồng điệu về tư tưởng tiến bộ và kiên trung, mẫu mực, chân thành của C.Mác. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã đặt nền móng và xây dựng nên hệ thống lý luận cách mạng, chỉ dẫn cho giai cấp vô sản thấy được con đường đúng đắn đi tới xã hội tự do, no ấm, hạnh phúc, thoát khỏi mọi chế độ áp bức, bất công.

Ph.Ăng-ghen. (Ảnh tư liệu).

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng sôi động và trí tuệ thông thái của mình, Ph.Ăng-ghen đã phát hiện vai trò vô cùng to lớn, có ý nghĩa là động lực luôn thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội của khoa học. Ph.Ăng-ghen thấy rất rõ rằng khoa học luôn mở ra không gian vô tận cho phát triển.

Sở dĩ như vậy là vì, theo Ph.Ăng-ghen, nhiệm vụ của khoa học chính là ở chỗ vạch rõ xem quy luật giá trị biểu hiện ra như thế nào. Khoa học phát hiện ra quy luật để giúp con người hiểu biết quy luật, thúc đẩy sản xuất của cải vật chất - cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người phù hợp với các quy luật.

Chỉ có trên cơ sở tuân thủ quy luật khách quan mà giúp cho sự phát triển của xã hội giảm bớt được những tổn thất, mất mát về nguồn lực cũng như cơ hội, tiềm năng do sự chủ quan, không biết hoặc không tuân thủ quy luật khách quan gây nên.

Về điểm này, trong lịch sử phát triển của thế giới hiện đại cho thấy, nhiều quốc gia, trong đó có các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (trước đây) và Đông Âu đã vấp phải tổn thất không gì bù đắp được. Đó là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội với chế độ xã hội chủ nghĩa đã hiện diện hàng nhiều thập kỷ.

Nguyên nhân là do các quốc gia đó đã có một thời gian khá dài hết sức chủ quan, duy ý chí mà nhận thức không đúng các quy luật của sự phát triển, dẫn đến, không thực hiện cách thức phát triển phù hợp với quy luật khách quan. Với nghĩa như vậy, vai trò động lực hàng đầu cho phát triển của khoa học là ở chỗ giúp cho con người nhận biết, hiểu được quy luật khách quan, từ đó vận dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất xã hội tuân theo các quy luật khách quan.

Mặt khác, khoa học là động lực trực tiếp thúc đẩy sự cải tiến xã hội. Xét về cách thức hình thành, khoa học không sinh ra từ hư vô. Khoa học, được sản sinh ra từ sản xuất song đến lượt nó, khoa học lại thúc đẩy những nhu cầu mới, những ngành sản xuất mới và tình hình đó, theo Ph.Ăng-ghen, kích thích những sự cải tiến mới. Đây là quan điểm hết sức đúng đắn.

Sự phát triển của xã hội luôn đòi hỏi những cải tiến mới về mọi phương diện. Muốn vậy, những nguyên tắc khoa học phải được vận dụng vào thực tiễn sản xuất cũng như quản trị xã hội. Thực tế sản xuất và phát triển của thế giới hôm nay cho thấy rất rõ ý nghĩa hiện hữu của mối quan hệ đó. Hầu hết thành tựu về phát triển hiện đại, không phân biệt trong sản xuất trực tiếp hay quản lý, trong kinh tế cũng như tổ chức bộ máy chính trị, đều nhờ vào những kết quả phát hiện của khoa học. Trong đó bao hàm thành tựu của cả khoa học tự nhiên cũng như khoa học lý luận, khoa học xã hội nhân văn khác. Từ đó, có thể thấy được rất rõ, việc vận dụng những nguyên tắc khoa học nói chung là động lực của tiến bộ.

Trong tư duy cách mạng biện chứng duy vật, theo Ph.Ăng-ghen, không chỉ phục vụ sản xuất, rộng hơn, khoa học còn là động lực thúc đẩy dịch chuyển văn minh. Xuất phát từ hạ tầng cơ sở sản xuất vật chất của xã hội, từ nền tảng kinh tế, Ph.Ăng-ghen chỉ ra đặc biệt chính xác rằng: Chừng nào chưa đặt sản xuất trên nền tảng khoa học nói chung, chừng đó chưa có sự thúc đẩy mới cho sự tiến bộ của nền văn minh. Khoa học với tư cách là sự phát hiện và tổng kết các quy luật, khoa học trở thành tiền đề cho việc nâng cao năng suất lao động xã hội. Khoa học tham gia vào quá trình cách mạng hóa tư liệu lao động cho con người. Khoa học chỉ dẫn cho con người cách thức tổ chức sản xuất cũng như tổ chức xã hội hiệu quả, tiến bộ, văn minh hơn. Khoa học do đó, thấm sâu vào nền sản xuất. Cũng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhờ vào sự phát triển của khoa học, những nhà tư bản đã nâng cao được năng suất lao động xã hội.

Từ đó họ thu được ngày càng nhiều của cải, giá trị. Nền công nghiệp trong chủ nghĩa tư bản, vì thế ngày càng phát triển. Bởi thế mà, giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại.

Nhờ sự phát triển của năng suất xã hội, văn minh công nghiệp tư bản đã dần vượt lên so với văn minh nông nghiệp của phương thức sản xuất trước đó. Giai cấp tư sản, trên cơ sở đó, từng bước vững chắc vươn lên vũ đài chính trị và giành lấy địa vị lịch sử.

Quá trình đó có sự đóng góp của nhiều yếu tố, song chắc chắn có vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học đã thâm nhập lực lượng sản xuất và thúc đẩy sự trưởng thành cho văn minh công nghiệp tư bản chủ nghĩa.

Xét trên phạm vi sự phát triển nói chung, theo Ph.Ăng-ghen, khoa học có vai trò như lực lượng cách mạng. Tác động cách mạng hóa của nền công nghiệp (nhờ vào áp dụng khoa học) đã trở thành động lực của toàn bộ tiến bộ xã hội. Khoa học là động lực của lịch sử, một lực lượng cách mạng. Vì thế, việc sử dụng khoa học-kỹ thuật đều làm tăng thêm lực lượng sản xuất cho con người.

Nhưng điều quan trọng hơn, việc tăng lực lượng sản xuất cho con người ấy rốt cuộc để phục vụ cho lợi ích của lực lượng nào trong xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt trọng yếu đối với nhân loại. Tiến bộ khoa học nếu được sử dụng vào mục đích phi nghĩa sẽ gây ra những hệ lụy rất khủng khiếp đối với sự phát triển của loài người. Do đó, cách đúng đắn nhất, chân chính nhất, theo quan điểm của Ph.Ăng-ghen, việc canh tác bằng những phương pháp khoa học hiện đại nhất vì lợi ích của toàn thể xã hội. Khoa học là kết quả của sự đòi hỏi bởi quá trình phát triển xã hội.

Cho nên, khoa học phải quay trở lại phục vụ lợi ích cho xã hội. Khoa học không thể trở thành phương tiện để phục vụ lợi ích cho một bộ phận nhóm nhỏ người. Lợi ích có được từ thành tựu khoa học càng được chia sẻ cho xã hội, cơ hội thúc đẩy phát triển có điều kiện tiền đề để tiếp tục mở rộng hơn. Đó là cách thức đúng đắn cho sự hình thành và chức năng của khoa học. Về mối quan hệ biện chứng này, Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh rất biện chứng rằng: Nếu kỹ thuật phụ thuộc trên mức độ đáng kể của khoa học, thì khoa học phụ thuộc vào trạng thái và nhu cầu của kỹ thuật ở mức độ lớn hơn nhiều. Nếu trong xã hội xuất hiện một nhu cầu kỹ thuật thì điều đó sẽ thúc đẩy khoa học tiến lên nhiều hơn.

Như vậy, với vai trò là động lực thúc đẩy tiến bộ, khoa học trước hết cần xuất hiện từ cơ sở kinh tế và thúc đẩy sự phát triển nền tảng kinh tế của các xã hội. Chỉ có trên cơ sở kinh tế phát triển mà từ đó thúc đẩy tiến bộ xã hội nói chung. Dĩ nhiên, sự phát triển của các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhất là chính trị cũng có tác động đối với kinh tế. Song, những điều kiện kinh tế, xét cho cùng quy định sự phát triển của lịch sử. Sự phát triển của chính trị, pháp luật... đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế của mỗi thời đại đều tạo nên cái cơ sở hiện thực mà xét đến cùng phải dựa vào đó mới giải thích được toàn bộ thượng tầng kiến trúc bao gồm những thiết chế pháp quyền và thể chế chính trị. Với ý nghĩa như vậy, khi đảm đương vai trò động lực của tiến bộ xã hội, khoa học phải trở thành thực thể của nền tảng kinh tế, khoa học đảm nhiệm dẫn dắt sự tiến bộ của sản xuất. Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã trải qua hơn thế kỷ kể từ khi các quan điểm lý luận của Ph.Ăng-ghen được nêu lên, song tính chất thời đại của các luận điểm đó còn nguyên giá trị. Những luận điểm nêu trên có ý nghĩa chỉ dẫn cho nhân dân lao động tiến bộ, cho các quốc gia, không chỉ cho hiện tại của thế giới ngày nay, hơn thế, có giá trị định hướng tương lai.

Muốn đạt được những thành tựu phát triển ở những giai đoạn tiếp theo, cần dựa trên động lực khoa học-công nghệ. Những phức tạp và khó lường của thế giới hiện nay, những xu hướng và động thái cạnh tranh đang diễn ra những ngày này giữa các cường quốc thể hiện rất rõ ở sự cạnh tranh gắn với động lực khoa học-công nghệ. Sự phát triển hết sức nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ lần thứ tư hiện nay (4.0), đã đưa đến cho nhân loại nhiều cơ hội mới.

Đúng như Ph.Ăng-ghen đã từng chỉ rõ: Đã xuất hiện những lực lượng công nghiệp và khoa học mà không một thời đại nào trước kia của lịch sử nhân loại thậm chí có thể ngờ tới. Nhưng đồng thời sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học-công nghệ ngày hôm nay, cũng đặt ra không ít thách thức. Đối với Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Muốn vượt qua những thách thức đó, thực hiện phát triển bứt phá, thực sự tiến lên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam không còn cách tối ưu nào khác, cần phải dựa vào động lực khoa học để vươn lên. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc rút ra từ những quan điểm lý luận của Ph.Ăng-ghen về vai trò động lực của khoa học đối với phát triển.

Nguồn NDO

Tin cùng chuyên mục