Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng: Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay
Thứ sáu: 20:02 ngày 10/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong nỗ lực phòng, chống với COVID-19 và ngay trong thời gian tới, không để nền kinh tế đổ gãy. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn…”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.

Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như không bố trí hơn 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nhắc ngay việc không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. “Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ. Đến nay, có 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm, hơn 8 vạn người tử vong.

Hiện có gần 5 tỷ người, khoảng nửa dân số thế giới đang phải thực hiện biện pháp cách ly ở nhà, các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, vắng vẻ và hàng triệu người thất nghiệp. “Chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây có đại dịch như vậy”, Thủ tướng lưu ý. Tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.

Về tác động tới kinh tế-xã hội, dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và EU nếu dịch không sớm kết thúc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc IMF, WB, các hãng xếp hạng tín nhiệm cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD.

Tổ chức Fitch gần đây dự báo trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ âm 3,3%, EU âm 4,2%, Hàn Quốc 0,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng trên 1,5%... So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều. Một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như dịch tiếp tục lan ra.

Trong bối cảnh đó, tất cả các nước trên thế giới gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.

Đối với nước ta, có độ mở nền kinh tế cao, dịch COVID-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực. Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Tất cả trong 1”

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta, thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.

Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển, Thủ tướng cảnh báo.

Do đó, Hội nghị hôm nay được coi là Hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Dẫn lại câu nói của Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, rằng không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, Thủ tướng nêu rõ, sự thích ứng, quyết tâm của chúng ta rất quan trọng để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.

Sản phẩm của Hội nghị sẽ là một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay sau hội nghị này. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Định hướng thảo luận tại Hội nghị, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi.

Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính báo cáo tại Hội nghị này và các đại biểu đóng góp ý kiến thêm.

Về vấn đề chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đề nghị với các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể xem Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi các quy định pháp luật nào, cắt bỏ thủ tục hành chính nào để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch.

Nhắc đến vai trò của đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, Thủ tướng cho rằng, cần lắng nghe những khó khăn, vướng mắc do các hội, ngành nghề phát biểu và cho biết, sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc với các doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng cho biết, trong khi Hải Phòng tăng trưởng gần 15% GDP trong quý I, Hà Nội chỉ tăng trên 3,7% và TPHCM chỉ tăng 1%. Thủ tướng đề nghị các địa phương nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. “Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều địa phương tăng thấp như vậy và có nhiều địa phương có sự tăng trưởng cao hơn nhiều?” Thủ tướng nêu vấn đề.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Chế tài nào đặt ra trong vấn đề này? Thủ tướng cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…

Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ở ngay địa phương mình. Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phát biểu thêm một vài điểm nhấn để tổ chức thực hiện kịp thời hơn, đến tận người bị thiệt hại.

Về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục