Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thủ tướng: Có hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh là vì thể chế còn vướng mắc
Chủ nhật: 08:55 ngày 26/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện. Thay vì làm nhiều việc thì làm một việc là thay người mà rất hiệu quả.

Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian nói về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

"Thà rằng là em ngồi im"

Theo Thủ tướng, việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng ban đầu có cách tiếp cận là vay - trả, vay thì phải trả. Khi đánh giá có khả năng trả thì cho vay. Tuy nhiên, chúng ta đã nâng lên một cấp là phải đánh giá có khả năng phục hồi, khi đó sẽ chuyển sang trạng thái khác là đầu tư phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đầu tư phát triển thì phải dài hạn nhưng ở đây chỉ có hai năm thì làm sao đánh giá được. “Cách tiếp cận của chúng ta chưa trúng, chưa đúng với thực tiễn" – ông nói và cho biết với chính sách này sẽ không ai dám vay.

Cũng theo Thủ tướng, việc vay của doanh nghiệp có nhiều mục tiêu như trả nợ, thoát nợ... nhưng lại bắt phải đánh giá có khả năng phục hồi. Nếu hai năm sau đến kiểm tra thì làm sao phục hồi ngay được, đầu tư thì làm sao đánh giá ngay được phục hồi.

"Vậy thôi an toàn là không vay. Bởi vay mà các anh đánh giá em không phục hồi được, anh lại xử lý em thì em cũng chết. Vậy thôi thà rằng là em ngồi im" - Thủ tướng dẫn chứng từ thực tế và cho biết khi đánh giá, chuyển trạng thái nhưng lại không chuyển cơ chế chính sách thì không làm được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25-5. Ảnh: QH

Theo Thủ tướng, trong bốn nội dung của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cơ bản làm tốt ba nội dung. Còn nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp thì có phần làm tốt, còn phần không làm tốt là 40.000 tỉ đồng này. Nếu Quốc hội đồng ý cho khoản tiền này chuyển sang ngân hàng chính sách là xong.

“Dù không sử dụng hết 40.000 tỉ đồng này nhưng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong hai năm đã lên đến gần 200.000 tỉ đồng thì đâu phải là không thành công” – ông nhấn mạnh và cho biết phải nhìn vào bức tranh tổng thể để tự tin làm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần hoàn chỉnh chính sách.

Ông cho rằng khi chỉ ra những thiếu sót sẽ giúp chúng ta nhận biết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. “Mục tiêu của chúng ta là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tất cả những mục tiêu lớn này ta đã làm được, còn một vài việc chúng ta rút kinh nghiệm, phải chỉ ra để khi có sự việc tương tự thì mạnh dạn, tự tin quyết định làm” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đang có hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh

Theo Thủ tướng, đại biểu Quốc hội nói nhiều về đầu tư. Đầu tư thì phải có thời gian, trong khi có một rừng thủ tục ràng buộc. "Đúng là đang có hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh, đó là vì thể chế còn vướng mắc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và cho rằng sắp tới phải tiếp tục tập trung tháo gỡ thể chế.

Về xây dựng đường cao tốc, Thủ tướng cho biết trước đây làm chưa nhiều do vốn chưa thu xếp được. Tuy nhiên hiện nay đang tập trung làm cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau, các đường xương cá từ Hà Nội đi Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, TP.HCM - Mộc Bài...

Trong quá trình làm, Thủ tướng nhấn mạnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng, tháo gỡ khó khăn dần và phải có cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến giải phóng mặt bằng.

“Phải tách giải phóng mặt bằng ra vì đây là khâu mất nhiều thời gian nhất” – ông nói và khẳng định khi đã có giải phóng mặt bằng cùng với "ba ca, bốn kíp, vượt nắng, thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, chỉ có bàn làm, không bàn lùi thì sẽ xong hết.

Đặc biệt, Thủ tướng đã nhấn mạnh yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện. "Chính sách là con người, tổ chức thực hiện là con người, lãnh đạo cũng là con người. Thay vì làm nhiều việc thì làm một việc là thay người mà rất hiệu quả" - Thủ tướng nói và cho rằng chỉ thay thế một vài người trong bộ máy lãnh đạo của một đơn vị thì sẽ thay đổi hẳn theo hướng tích cực.

Thủ tướng mong Quốc hội ủng hộ việc thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Bởi theo ông, đây là con đường rất chiến lược, ông đã nghiên cứu mãi phải làm sao tiến đến Tây Nguyên cho nhanh nhất.

“Khi làm thì phải cơ chế còn về tổng thể là cần sửa Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, nếu đầu thầu mà cứ quân xanh, quân đỏ thì cuối cùng lại hợp thức hóa sai phạm và vẫn phải chống tiêu cực”– Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền

Thủ tướng cho rằng phải phân cấp, phân quyền và đi đôi với đó là phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi. Song song đó, phải thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

“Trung ương phải phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương; Chính phủ phân cấp nhiều hơn cho bộ, ngành, địa phương…” – ông nói và nêu ý kiến của các địa biểu phản ánh khi phân cấp sẽ có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Nơi nào làm chưa tốt thì phải có hỗ trợ để các địa phương làm tốt hơn.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục