Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tại lễ bàn giao, Sở GD-ĐT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số vấn đề liên quan đến hoạt động của trung tâm GDTX. Trong đó, về phân cấp quản lý, các trung tâm GDTX các huyện, thành phố thực hiện giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp do Sở GD-ĐT quản lý; chức năng dạy nghề do các trung tâm phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) quản lý.
Giám đốc Sở GD - ĐT Mai Thị Lệ (phải) bàn giao trung tâm giáo dục thường xuyên về cho TP. Tây Ninh.
Sau một thời gian khá dài chuẩn bị các thủ tục, quy trình cần thiết, ngày 26.1 vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã làm lễ bàn giao Trung tâm Giáo dục thường xuyên về cho huyện, thành phố.
Mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên (trung tâm GDTX) ra đời sau ngày thống nhất đất nước. Trước khi mô hình trung tâm GDTX được thành lập, bộ phận phụ trách bổ túc văn hoá thuộc Phòng Giáo dục. Từ năm 1976 đến 1995, tại Tây Ninh, mỗi huyện có một trường bổ túc văn hoá tập trung.
Tháng 3.1995, UBND tỉnh quyết định thành lập 8 trung tâm GDTX để thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên (thường gọi dạy bổ túc văn hoá). Với nhiệm vụ này, bình quân mỗi năm trung tâm GDTX của 8 huyện và thị xã đã tổ chức giảng dạy, bồi dưỡng cho hơn 7.000 học sinh, cán bộ trong tỉnh.
Số liệu thống kê của hơn 40 năm qua cho thấy có những giai đoạn, hệ GDTX phát triển rất mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Từ năm 1975 đến năm 1985, số học sinh học cấp III trong giai đoạn này là 53.044 và số học sinh học bổ túc văn hoá là 47.204, tức số lượng học sinh phổ thông và bổ túc gần ngang nhau.
Trong thời gian 20 năm (1975-1995), toàn tỉnh có 122.798 học sinh cấp III, còn học sinh học bổ túc văn hoá là 147.423, có nghĩa là số người học bổ túc văn hoá nhiều hơn số học sinh phổ thông.
Tuy nhiên trong 10 năm trở lại đây, tình hình GDTX bắt đầu thay đổi. Số lượng người học bổ túc văn hoá giảm dần theo từng năm. Theo lãnh đạo Sở GD - ĐT, điều này phản ánh sự phát triển của ngành Giáo dục, vì học sinh được học phổ thông hệ chính quy tốt hơn so với học bổ túc. Ngành GDTX đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.
Tháng 11.2006, UBND tỉnh Tây Ninh có quyết định thành lập Trung tâm GDTX thị xã Tây Ninh, nâng số trung tâm GDTX trong tỉnh lên 9 đơn vị. Cùng thời gian này, UBND tỉnh ban hành quyết định giao cho các Trung tâm GDTX huyện, thị xã thực hiện thêm chức năng, nhiệm vụ dạy nghề. Các trung tâm GDTX không ngừng phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ được giao, hằng năm đào tạo nghề ngắn hạn và dạy nghề cho học sinh phổ thông hơn 25.000 lượt
Năm 2009, ngành Giáo dục tiến hành đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trung tâm GDTX huyện và thị xã theo hướng lầu hoá, chuẩn hoá. Trung tâm GDTX được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học để phục vụ mục tiêu củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới trung tâm GDTX theo mô hình lồng ghép nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá, hướng nghiệp - dạy nghề; liên kết đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ nền kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đánh giá của Sở GD - ĐT, trong quá trình hoạt động, do những biến động lớn về chủ trương, chính sách nên ngành học GDTX chưa theo kịp xu hướng phát triển, do đó, chức năng hướng nghiệp và dạy nghề gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, so ra Tây Ninh vẫn có nhiều thuận lợi hơn các tỉnh bạn.
Đó là ngay từ đầu Sở đã sáp nhập trung tâm hướng nghiệp các huyện vào trung tâm GDTX và không thành lập trung tâm dạy nghề. Do vậy, việc chuyển đổi Trung tâm GDTX các huyện, thành phố theo quy định của Trung ương có phần thuận lợi hơn.
Ngày 25.8.2017, UBND tỉnh có Quyết định 1981/QĐ-UBND ban hành đề án tổ chức lại trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thuộc tỉnh Tây Ninh. Thực hiện quyết định này, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc huyện, thành phố. Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ để bàn giao, điều chuyển số lượng người làm việc của trung tâm GDTX huyện, thành phố từ Sở GD-ĐT về UBND huyện, thành phố.
Tại lễ bàn giao, Sở GD-ĐT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số vấn đề liên quan đến hoạt động của trung tâm GDTX. Trong đó, về phân cấp quản lý, các trung tâm GDTX các huyện, thành phố thực hiện giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp do Sở GD-ĐT quản lý; chức năng dạy nghề do các trung tâm phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) quản lý.
Việc chuyển đổi, bổ sung và bàn giao trung tâm GDTX về cho huyện, thành phố không phải không có những khó khăn, bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trung tâm hiện nay thực ra là giáo viên phổ thông, không phải giáo viên trường nghề.
Giáo viên trung tâm GDTX cũng có thể dạy nghề nhưng chỉ là nghề phổ thông (học sinh học nghề chỉ để được cộng điểm khuyến khích. không phải để làm nghề). Lãnh đạo Sở GD - ĐT cũng lo lắng, băn khoăn về tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các trung tâm.
Việc chuyển đổi, bổ sung chức năng hoạt động của trung tâm GDTX còn làm tăng biên chế và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Đây là điều cần được xem xét thận trọng, bởi nhiều lý do.
Trước hết, tinh giản biên chế đang là một vấn đề hết sức nóng bỏng, do vậy, việc bổ sung nhân lực để thực hiện lĩnh vực dạy nghề ở các trung tâm là điều không hề đơn giản. Mặt khác, việc đẩy mạnh lĩnh vực dạy nghề ở trung tâm cần được xem lại về tính khả thi, tính hiệu quả, vì ngay các trường dạy nghề chuyên nghiệp cũng thường xuyên “đói” nguồn tuyển. Vì vậy, có nên tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để dạy nghề ở các trung tâm hay không cũng là điều cần cân nhắc.
Vừa qua, Trung ương Đảng ban hành nghị quyết liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có nói rõ: sẽ tiến tới mỗi tỉnh chỉ còn một đầu mối dạy nghề.
VIỆT ĐÔNG