Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thương cho lớp một
Chủ nhật: 09:08 ngày 07/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cái lý “lớp một không có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành”, nên hoàn toàn có thể thực hiện đại trà ngay chương trình mới, vào năm học 2018-2019, đã khiến nhiều phụ huynh và giáo viên lo lắng.

Trẻ bước vào lớp một chỉ nên học nhẹ nhàng, rèn nề nếp, thói quen cần thiết như cách đọc, cách cầm bút viết, tính toán đơn giản...

Nhưng lớp một hiện hành đã rất nặng với nhiều môn học, yêu cầu cao, áp lực thành tích khiến rất nhiều phụ huynh phải mang con đi “học trước lớp một”, đi học thêm ngoài giờ chính khóa.

Ở các TP lớn, quá tải không chỉ trong chương trình, môn học, mà quá tải còn do sĩ số quá đông, nhiều nơi có lớp lên đến 55-60 học sinh/lớp. Còn ở các vùng khó khăn thì sao?

“Chỉ giải thích một khái niệm cơ bản đối với học sinh miền núi cũng mất 10-15 phút, vậy chỉ có một buổi học thì làm thế nào “gánh” nổi yêu cầu của một chương trình vốn thiết kế cho hai buổi/ngày?”, băn khoăn này của các chuyên gia cũng là trăn trở của nhiều nhà quản lý, giáo viên trực tiếp dạy học ở các trường tiểu học hiện nay.

Nhớ lại những năm 2000 khi thực hiện lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa lần trước, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai phụ trách bậc tiểu học thời đó đã phải ký một văn bản cho phép các địa phương khó khăn được phép “dạy học linh hoạt” với chương trình hiện hành khi ấy.

Theo đó, giáo viên có thể chủ động lược bớt kiến thức, yêu cầu để phù hợp với điều kiện tiếp thu của trẻ theo phương châm “dạy được đến đâu tốt đến đó, giữ chân 
học sinh ở lại lớp học”.

Việc này được các giáo viên trường vùng khó mô tả là đã “mở ra con đường sáng”, giúp họ thoát được khỏi bế tắc vì không thể nào thực hiện chương trình chung ở những nơi điều kiện quá khó khăn, bao gồm cả cái khó về cơ sở vật chất và hạn chế của trình độ dân trí, sự tiếp nhận của học sinh.

Điều này cho thấy quan điểm của các nhà quản lý giáo dục trong việc xây dựng và vận hành một chương trình, nhất là chương trình liên quan tới học sinh lứa tuổi lớp một lần đầu tiên tới trường, rất cần phải tính toán, lường trước những tình huống nảy sinh từ thực tiễn giáo dục ở tất cả các vùng miền khác nhau. Cụ thể ở đây là điều kiện thực hiện, môi trường dạy học 
và đối tượng học sinh.

Nhiều nỗi lo như thế, nhưng trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn đang có quá nhiều ý kiến trái chiều chưa thể hoàn thiện: Nào là chương trình môn học chưa thực hiện xong, sách giáo khoa chưa có, giáo viên trực tiếp đứng lớp chưa hình dung mình sẽ “đổi mới phương pháp thế nào”, dạy các môn mới ra sao thì chỉ còn hơn một năm nữa phải thực hiện đại trà.

Tại sao phải thực hiện đại trà gấp như thế trong khi cái cần làm trước ở đây là cải thiện môi trường giáo dục, phù hợp với học sinh, cho các em được chơi, được trải nghiệm nhiều hơn là nhồi nhét kiến thức trên lớp?

Cũng cần thay đổi tư duy quản lý giáo dục, cách điều hành, đãi ngộ, đánh giá lao động của giáo viên. Có như thế thì việc tiếp nhận, thực hiện những nội dung đổi mới mới có hi vọng thực hiện đạt yêu cầu, không bị biến dạng, méo mó, mang nặng 
hình thức đối phó.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục