Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bến thủy nội địa có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện thủy nội địa neo, đậu xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 123 bến thủy nội địa. Trong đó, bến khách ngang sông 21 bến; bến chuyên dùng kinh doanh vật liệu xây dựng 37 bến; bến xếp dỡ gạch là 15 bến, bến tập kết cát khai thác có 17 bến và bến chuyên dùng khác 33 bến phục vụ mua bán phân bón, tro dừa, muối, xi măng,..
Việc bốc dỡ hàng hóa tại một bến thủy nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông chỉ bằng biện pháp thủ công.
Bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện thủy nội địa neo, đậu xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông và bến chuyên dùng.
Dù thực tế số lượng bến thủy nội địa ở tỉnh nhiều nhưng chưa khai thác hết tiềm năng hoạt động để phát triển giao thông đường thủy. Cụ thể, qua tìm hiểu tại một số bến thủy nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông có thể thấy rằng các bến thủy nội địa này phần lớn hạ tầng đều sơ sài, bờ kè dùng cho ghe thuyền đậu vào cặp bến tạm bờ, có nơi chỉ đóng kè bằng cây dừa sát bờ. Việc bóc dỡ hàng hóa chủ yếu là thủ công từ ghe lên bờ qua đội bốc xếp.
Một chủ bến thủy nội địa ở xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành cho biết, do ghe thuyền cặp bến chỉ để vận chuyển tro dừa, muối và khóm nên tải trọng ghe khoảng 50 – 60 tấn. Phần lớn chỉ dừng lại ở bến để bốc dỡ hàng hóa rồi sau đó rời đi nên các bến thủy đều hoạt động với phương thức như vậy, do không có nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng bến thủy.
Một chủ ghe cho biết, ở miền Tây các bến thủy nội địa được đầu tư rất bài bản như có hệ thống bóc dỡ hàng hóa, có bộ phận hậu cầu phục vụ cho ghe tàu neo đậu để bốc dỡ hàng hóa, trạm xăng dầu để cung cấp nhiên liệu…
Tuy nhiên, do đặc thù của miền Tây hoạt động giao thông đường thủy phát triển nên các bến thủy nội địa được xem như một “trạm trung chuyển” hoạt động hàng hóa với đầy đủ các dịch vụ cần thiết.
Còn trên sông Vàm Cỏ Đông, do lượng hàng hóa vận chuyển không nhiều nên các bến thủy nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông chưa thực sự phát triển. Với quy mô của các bến thủy nội địa ở tỉnh hiện nay chưa thể phát huy được hết tiềm năng giao thông đường thủy ở tỉnh, nhất là trên sông Vàm Cỏ Đông.
Tàu và xe container bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Bến Kéo.
Theo đại diện Cảng Bến Kéo (xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành), cảng được thiết kế phục vụ cho việc bóc dỡ, vận chuyển hàng hóa đường thủy với công suất 200 ngàn tấn/ năm. Cảng có kho bãi lưu giữ hàng hóa, hệ thống xếp dỡ, cân điện tử cân hàng và dịch vụ hậu cần đầy đủ.
Lượng hàng hóa thực hiện bóc dỡ, vận chuyển qua cảng năm 2019 đạt 198.000 tấn. Cảng được thiết kế có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 2 ngàn tấn vào mùa mưa và tàu có tải trọng 1.500 tấn vào mùa nắng. Hàng hóa được vận chuyển qua cảng gồm có mì, bắp, xi măng, đường thô…
Rõ ràng, nếu các bến thủy nội địa ở tỉnh được đầu tư bày bản hơn có thể thu hút lượng ghe tàu vận chuyển hàng hóa lưu thông đường thủy, giảm tải áp lực cho hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đợt khảo sát vừa qua của Sở GTVT, các địa phương đều đề nghị tiếp tục duy trì hoạt động của các bến thủy nội địa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các bến thủy nội địa của tỉnh hiện chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng chưa phát huy hết tiềm năng phát triển giao thông đường thủy của tỉnh, nhất là giao thông đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông.
Do đó, tỉnh cần có những giải pháp để thúc đẩy việc phát triển hạ tầng của các bến thủy nội địa, nhất là các bến thủy vận chuyển hàng hóa để thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy; trong tương lai có thể phát triển một số bến thủy nội địa trở thành bến thủy phục vụ du lịch đường thủy.
Thế Nhân