Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, diễn ra ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm chỉ đạo về kinh tế, xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây; đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá; tình hình xã hội cơ bản ổn định,… cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, có một số ý kiến cảnh báo về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, qua đánh giá lại các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây, thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát là từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản, Bộ KH&ĐT cho rằng, ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ ở Việt Nam.
Lý do là vì hiện nay, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng…
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập khu hành chính-kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...
Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời.
Tiếp tục điều hành giá theo hướng thận trọng
Liên quan đến các thách thức nói chung của nền kinh tế trong năm 2018, Bộ KH&ĐT cho rằng, tuy tăng trưởng GDP 6 tháng vẫn ở mức khá (7,08%), nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV.
Dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó (tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%). Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thì đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, hiện nay, giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất, nhưng dự kiến còn 2 đợt tăng giá mạnh vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kịch bản điều hành giá theo hướng thận trọng; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, điều hành chủ động giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, không tăng giá điện, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm phù hợp.
Bám sát phương châm ‘Kỷ cương-liêm chính-hành động-sáng tạo-hiệu quả’
Trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm và những vấn đề cần quan tâm trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT cho rằng, giải pháp cơ bản và quan trọng nhất là kiên định và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bám sát phương châm “Kỷ cương-liêm chính-hành động-sáng tạo-hiệu quả” trong mọi nhiệm vụ, giải pháp và hành động.
Các cấp, các ngành nếu chưa thực hiện thì phải thực hiện ngay. Nếu đã thực hiện thì phải thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 theo kịch bản điều hành đã đề ra.
Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, những dự án lớn, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế, các dự án trọng điểm như: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, dự án thu phí tự động không dừng...
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội nhằm củng cố niềm tin của xã hội, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, củng cố niềm tin của cả hệ thống, doanh nghiệp, nhân dân, nhất là trong những dịp tổ chức sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV...
Để chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, trong đó tập trung đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính trung hạn và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Nguồn chinhphu