Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tìm giải pháp nâng cao giá trị cho rau củ quả
Thứ hai: 15:06 ngày 04/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) Tây Ninh, diện tích rau quả các loại trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.800ha, tăng 5% và chiếm 2,4% diện tích đất nông nghiệp.

Nhiều tồn tại, hạn chế việc gia tăng giá trị mặt hàng rau củ quả

Việc phát triển một số nhóm rau ăn quả và ăn lá đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó, định hướng tăng diện tích rau củ quả áp dụng theo quy trình VietGAP và công nghệ cao, trong đó gắn với việc phát triển của các nhà máy chế biến, siêu thị hoặc chợ đầu mối.

Trồng rau trong nhà kính tại Trại thực nghiệm của Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Sở NN&PTNT cho rằng, hiện nay do nhận thức của một bộ phận người sản xuất còn hạn chế, nên một số hộ nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn, chất lượng rau chưa bảo đảm nên chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng; chưa phát triển được các loại rau quả cao cấp, rau dược liệu; phát triển rau chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, trong tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh, chưa có mô hình phát triển xuất khẩu có giá trị hàng hóa lớn.

Hơn nữa, chuỗi giá trị ngành hàng qua nhiều trung gian, chưa hình thành mối liên kết giữa sản xuất và kinh doanh rau an toàn, nên sản xuất chưa được mở rộng và chưa hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm; ngoài ra, người sản xuất không nắm được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng rau chưa đáp ứng được các yêu cầu khắc khe của xuất khẩu nên rau củ thực phẩm khó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng giá trị sản phẩm rau củ.

Theo Sở NN&PTNT, hiện tại hình thức tiêu thụ rau chủ yếu là sản phẩm rau tươi sử dụng trong ngày, chưa có cơ sở sơ chế, đóng gói, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa nên giá trị sản phẩm rau thấp.Trong khi đó, đặc điểm của mặt hàng rau thực phẩm cần được tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch, bảo đảm độ tươi sống càng cao càng tốt. Do đó, giải pháp để giảm bớt cấp thương lái đối với ngành hàng rau thực phẩm rất cần các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ rau, có như vậy mới bảo đảm nâng cao thu nhập cho người trồng rau, đồng thời bảo đảm tốt yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc HTX Rau an toàn Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành), các đơn vị sản xuất cần xây dựng mối liên kết giữa những người sản xuất thành các tổ hợp tác, hợp tác xã có quy mô đủ lớn để thực hành VietGAP nhằm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất, an toàn, sản lượng lớn; đồng thời phải xây dựng liên kết dọc từ các nhóm liên kết sản xuất đến cơ sở - doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp,dựa trên lợi ích thiết thực giữa hai bên.

Ông Bình nhấn mạnh, hiện nay số lượng sản xuất theo mô hình công nghệ cao ít, sản lượng cung ứng ra thị trường còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như: chi phí đầu tư cao, người sản xuất còn gặp khó khăn về vốn, khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại của người sản xuất còn hạn chế, chưa có nơi tiêu thụ riêng cho những sản phẩm công nghệ cao.

Theo ông Hoàng Phú Hậu- Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành), hiện HTX có 13,3 ha rau màu các loại như rau ăn lá, bầu, bí, khổ qua... với 16 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng chỉ mới ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau các loại tại các bếp ăn tập thể trường học với số lượng ít, phần lớn sản phẩm còn lại vẫn phải phụ thuộc vào thương lái.

Ông Hậu cho biết thêm, quá trình trồng rau theo hướng VietGAP đòi hỏi người trồng phải áp dụng đúng quy trình từ khâu giống, chăm sóc, bảo đảm sau thu hoạch, đặc biệt là giám sát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng…

Ảnh minh hoạ

Ngoài chi phí sản xuất thông thường, trồng rau còn “gánh” thêm các chi phí phân tích mẫu đất, nước tưới, đầu tư hệ thống tưới, lưới che cho từng loại rau...Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm khó khăn, giá cả không hợp lý đang là rào cản đối với những người muốn phát triển nguồn rau củ thực phẩm.

Ông Hậu bày tỏ nguyện vọng, mong muốn tỉnh hỗ trợ chi phí xây nhà sơ chế để tiêu thụ rau an toàn cho nông dân. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng nhận biết rau an toàn, tỉnh có thể xây dựng thí điểm một số điểm bán rau an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh, vừa giúp người trồng rau bán được rau an toàn với giá hợp lý, vừa giúp người tiêu dùng nhận biết và có nguồn cung cấp rau sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Làm gì để nâng cao giá trị rau củ quả?

Nhìn chung, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đáng khích lệ; người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đã tiếp cận được với quy trình sản xuất mới như VietGAP, GlobalGAP và ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Hiệu quả kinh tế sản xuất rau được cải thiện, mạng lưới tiêu thụ rau bắt đầu hình thành và phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn mới chỉ là những mô hình, chưa được nhân ra diện rộng.

Mặt hàng rau củ quả là cây trồng quan trọng cần được ưu tiên đầu tư sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Đây chính là nhiệm vụ của sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm nguồn rau an toàn, tươi sống, cung cấp cho nhu cầu nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc phát triển sản xuất rau an toàn, trong đó tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ gắn với sơ chế.

 

Ảnh minh hoạ

Trên cơ sở cân đối đất lúa và đất cây hàng năm khác, đất chuyển đổi từ các công ty nông nghiệp, dự kiến tỉnh bố trí khoảng trên 6.000ha đất chuyên trồng rau an toàn; trong đó chú trọng phát triển rau quả chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ (nhà lưới, nhà màng...) gắn tiêu chuẩn chất lượng một số thị trường xuất khẩu như Nhật, Mỹ, Trung Quốc...; kết hợp với khoảng 15.000 ha rau màu luân canh trồng lúa để hằng năm có khoảng 30.000 ha diện tích gieo trồng rau đậu các loại, năng suất bình quân 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 670.000 tấn.

Từ đó, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận, góp phần tham gia chuỗi tiêu thụ rau an toàn TP.HCM với các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Lâm Đồng.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng cần thực hiện tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, thành lập các HTX, tạo cơ sở pháp lý để liên kết với các doanh nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ rau; đồng thời góp phần nâng cao mức độ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; đảm bảo 100% sản lượng là rau an toàn; 50%- 60% diện tích trồng rau được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục