Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tìm hướng phát triển bền vững cho cây dược liệu
Thứ bảy: 06:46 ngày 06/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định, dược liệu là một trong những cây trồng giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Vườn cây dược liệu của Công ty TNHH Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh.

Thu nhập ổn định từ cây dược liệu

Tháng 10.2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, có 8 vùng khai thác tự nhiên và 8 vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó có vùng Ðông Nam bộ (gồm các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước) với 10 loại cây dược liệu bản địa như gừng, trinh nữ hoàng cung, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên…

Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm từ cây dược liệu trên thị trường ngày càng tăng cao, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây dược liệu. Dừng chân giữa vườn đinh lăng xanh mướt trồng xen canh với cây cao su, ông Lê Minh Hải (ngụ thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ, nhiều năm trước, gia đình ông chọn cây cao su và một số loại hoa màu làm kinh tế.

Tuy nhiên, cây cao su xuống giá quá thấp, không đủ bù chi phí sản xuất, gia đình ông đã ngưng cạo mủ. Năm 2017, ông Hải tìm hiểu mô hình trồng cây đinh lăng xen kẽ với cao su. Ðinh lăng là giống cây chịu ẩm, bóng râm, phù hợp với điều kiện sẵn có trong vườn cao su nên ông Hải mua 4.000 cây giống về trồng thử nghiệm trên 2 công đất trồng cao su của gia đình. Sau hơn 1 năm, cây cho thu hoạch lá và cành. Ðến nay, ngoài thu nhập từ cây cao su, mỗi năm ông Hải còn có thu nhập hơn 20 triệu đồng từ mô hình trồng cây đinh lăng xen canh cây cao su.

Nhận thấy hướng phát triển của cây đinh lăng, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm và được Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu hướng dẫn kỹ thuật ươm cây giống, bà Võ Thị Thi, ngụ thị trấn Dương Minh Châu quyết định đầu tư ươm cây giống đinh lăng và cung cấp cho nông dân.

Bà Thi cho biết, cây giống đinh lăng ươm khoảng 2,5 tháng là có thể xuất bán, với giá trung bình 6.000 đồng/cây. Mỗi đợt, bà Thi ươm khoảng 40.000 cây, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi năm có thể ươm từ 3-4 đợt. Cây giống sẽ được Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Ðường, có trụ sở tại thị xã Trảng Bàng thu mua với giá ký kết từ đầu vụ ươm. Cây phát triển tốt, đầu ra ổn định, mỗi năm gia đình bà Thi thu nhập hàng trăm triệu đồng.

“Cung - cầu” chưa gặp

Theo Sở NN&PTNT, Tây Ninh có tiềm năng để phát triển bền vững cây dược liệu với diện tích đất nông nghiệp hơn 270.206 ha. Ðiều kiện thổ nhưỡng, nhiệt độ và độ ẩm trung bình trên địa bàn tỉnh phù hợp để trồng cây dược liệu- nhất là các loại cây chiết xuất tinh dầu.

Diện tích các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm, cụ thể: năm 2017 có 203,93 ha, năm 2018 tăng lên 221,11 ha, năm 2019 là 224,81 ha, gồm các loại dược liệu chính như hoàn ngọc, đinh lăng, sả… sản lượng bình quân đạt trên 2.000 tấn dược liệu các loại/năm. Ước diện tích sản xuất cây dược liệu các loại năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 260 ha, sản lượng khoảng 2.900 tấn.

Tuy nhiên, đầu ra của cây dược liệu không ổn định, người dân phải phá bỏ. Ðơn cử, năm 2017-2018 tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, một hộ dân trồng thử nghiệm 20 ha cây kim tiền thảo. Thời điểm trên, cây kim tiền thảo phơi khô được mua với giá tương đổi ổn định. Do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, người dân không thu hoạch được, dẫn đến thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Tại xã Thạnh Ðông, huyện Tân Châu, năm 2017, nhiều hộ dân đầu tư trồng nghệ. Thời gian đầu, củ nghệ có giá từ 12.000-13.000 đồng. Chỉ được thời gian ngắn, nhiều hộ trồng nghệ đã phải phá bỏ vườn nghệ vì thương lái không thu mua hoặc mua với giá rẻ.

Thực tế, nhiều nông dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc cây dược liệu, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến cây không đạt chất lượng; sản phẩm không được bao tiêu nên nông dân phải bán cho thương lái, dẫn đến tình trạng bị ép giá, thua lỗ.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh có kỹ thuật chăm sóc và thu hái, chế biến cây dược liệu đã tự xây dựng vùng trồng và chế biến sản phẩm từ cây được liệu, hoặc chỉ thu mua dược liệu với những diện tích đạt tiêu chuẩn GACP.WHO (tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái của WHO), như Công ty TNHH MTV trà Tâm Lan.

Từ khi đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm an toàn. Công ty sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ từ phân trùn quế để bón cho cây dược liệu, loại bỏ hoàn toàn các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học trong quá trình chăm sóc cây.

Công ty TNHH Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh phát triển vùng trồng dược liệu với diện tích hơn 50 ha, gồm các loại cây hoàn ngọc, nghệ đắng Thái Lan, ngâu, ba kích thiên. Ngoài ra, công ty còn có khu nhân giống, bảo tồn gene, nuôi trồng dược liệu quý bằng công nghệ cao như đông trùng hạ thảo, sâm đại quang, bình vôi đồng tiền…

Vườn cây đinh lăng của một hộ dân ở huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Ðại Dương

Phát triển bền vững Dược liệu theo chuỗi liên kết

Theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là 551 ha, với các loại dược liệu chính như cây tràm (300 ha), hoàn ngọc (50 ha), kim tiền thảo (20 ha), trinh nữ hoàng cung (20 ha)... bảo đảm chất lượng và năng suất.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết diện tích cây dược liệu vẫn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa có cơ sở hoặc nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Vì vậy, dù được đánh giá là cây cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng “đầu ra” sản phẩm không ổn định, nhiều người dân không dám mạo hiểm đầu tư phát triển cây dược liệu.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu. Ðể thúc đẩy phát triển vùng trồng dược liệu, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng và triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng trong các mô hình rừng trồng; đồng thời xây dựng các vườn nhân giống cây dược liệu, phát triển hệ thống thu mua, chế biến, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi liên kết.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục