Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một người dân ngụ ấp Đồng Lớn góp ý, ngoài việc xử lý các vật cản và nạo vét tuyến kênh tiêu tại đoạn thuộc lưu không kênh chính Đông, tại đoạn nhánh rẽ của kênh này đổ ra sông Sài Gòn cũng cần được nạo vét.
Ông Minh xử lý tạm thời một cống ngang kênh N23-2-2T gây khó thoát nước (đoạn thuộc địa bàn ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận)
Ngày 30.9, Báo Tây Ninh có bài viết “Xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng: Người dân tiếp tục kiến nghị nạo vét kênh tiêu N23-2-2T”, nêu ý kiến của người dân có đất nông nghiệp ở ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận đề nghị mở tuyến kênh tưới xuống nội đồng Ba Cụm rộng hơn 100 ha, đồng thời nạo vét tuyến kênh tiêu N23-2-2T đoạn giáp cánh đồng này đến vị trí K34+351 bờ tả kênh chính Đông.
Ngày 2.10.2023, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, UBND xã Hưng Thuận đã đến khảo sát nhu cầu mở tuyến kênh tưới thay cho đường xe nội đồng hiện trạng của người dân (hiện tại, bà con tận dụng đường xe để làm kênh tưới), rà soát lại các nguyên nhân gây khó thoát nước tại tuyến kênh tiêu N23-2-2T nhằm có hướng khắc phục.
Ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh phối hợp UBND thị xã Trảng Bàng rà soát việc người dân yêu cầu mở tuyến kênh tưới thay cho đường xe hiện trạng, nhằm có phương án đầu tư hiệu quả nhất. Dự kiến năm 2024 đầu tư đào mới tuyến kênh tưới, trong đó sẽ có đoạn đi ngang đất của người dân nên rất cần sự đồng thuận của bà con, để dự án đào kênh tưới xuống nội đồng Ba Cụm diễn ra thuận lợi.
Về vấn đề nạo vét kênh tiêu N23-2-2T, ông Lê Anh Tâm cho hay, qua khảo sát đúng là trên toàn tuyến kênh tiêu tồn tại một số nguyên nhân gây khó thoát nước. Cụ thể, hiện trạng kênh giáp với cánh đồng Ba Cụm có đoạn bị cỏ dại phát triển hoang hoá gây cản trở dòng chảy, ngoài ra còn có một số hộ dân tự ý đặt cống ngang kênh không bảo đảm về khẩu độ và độ cao để dòng chảy lưu thông thông thoáng, kể cả tại đoạn thuộc địa bàn ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Sở NN&PTNT sẽ kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam (đơn vị trực tiếp quản lý tuyến kênh N23-2-2T) làm việc với UBND thị xã Trảng Bàng và UBND huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để có hướng xử lý toàn tuyến kênh tiêu nhằm bảo đảm tiêu thoát nước, nhất là trong mùa mưa bão.
Năm 2019, cử tri từng kiến nghị nạo vét tuyến kênh tiêu trên, sau đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (nay là Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam) đã nạo vét tuyến kênh tiêu N23-2-2T cặp bờ tả kênh chính Đông, đoạn từ K32+074 đến K34+351. Tuy nhiên, một số người dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng ngập úng cho biết, hiện nay, kênh tiêu tiếp tục khó thoát nước, do những nguyên nhân nêu trên.
Ngày 3.10.2023, ông Phan Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận cùng phóng viên Báo Tây Ninh và một số hộ dân đến quan sát tại cánh đồng Ba Cụm, nhận thấy lượng nước ngập úng đã dâng cao hơn trước đó, do những ngày gần đây có mưa liên tục, trong khi kênh tiêu khó thoát nước.
Ông Phạm Văn Minh, một người dân cho biết, sau 11 ngày dùng máy bơm tháo nước cho hơn 6 ha lúa mới sạ bị ngập úng để hạ thấp mực nước trong ruộng và cải tạo lại đất cấy lúa, giờ ông đành... chịu thua, máy bơm đã hoạt động hết công suất nhưng tháo nước không hiệu quả.
Trong khi quan sát, chúng tôi thấy có một cống thả ngang kênh tiêu N23-2-2T để làm lối đi thông qua một đường xe nội đồng (đoạn thuộc địa bàn ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận) thoát nước kém hiệu quả, nước chảy tràn qua mặt đường xe trên cống.
Ông Minh nhận định, lượng nước thoát qua cống rất yếu là do cống có khẩu độ nhỏ, lại đặt ở độ cao chưa hợp lý, phía trước và sau miệng cống bị lưới rào kẽm B40 của một hộ chăn nuôi vịt chắn ngang gây vướng lục bình, cỏ dại, rác làm cản trở dòng chảy.
Trước mắt, ông Minh đã xử lý vớt rác, cỏ dại bị vướng và thông cống này tạm thời. Về lâu dài, ông Minh kiến nghị chính quyền địa phương vận động hộ chăn nuôi này tháo dỡ lưới rào kẽm B40 để bảo đảm dòng chảy được thông thoáng.
Đồng thời, yêu cầu thay khẩu độ cống lớn hơn, đặt cống ở độ cao hợp lý để khắc phục “điểm nghẽn” nghiêm trọng này. Ngoài ra, từ đó trở xuống hướng hạ lưu thuộc địa phận ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi cũng đang tồn tại một số cống ngang kênh tiêu N23-2-2T có dấu hiệu thoát nước rất yếu, khả năng gây ngập úng khu vực thượng lưu cánh đồng Ba Cụm.
Quan sát thực tế, đúng là dòng chảy của kênh tiêu N23-2-2T tại khu vực hạ lưu rất yếu, nhất là tại các vị trí có cống bắc ngang kênh để làm lối đi. Một người dân ngụ ấp Đồng Lớn góp ý, ngoài việc xử lý các vật cản và nạo vét tuyến kênh tiêu tại đoạn thuộc lưu không kênh chính Đông, tại đoạn nhánh rẽ của kênh này đổ ra sông Sài Gòn cũng cần được nạo vét.
Vì hiện nay, đáy của nhánh rẽ đã bị bùn đất bồi lắng khá nhiều, làm cho mực nước đoạn hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn có dấu hiệu cao hơn tại dòng chính kênh tiêu N23-2-2T, nên kênh tiêu khó thoát nước. Nhánh rẽ này nằm giáp ranh giữa địa phận xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và xã Trung Lập Thượng, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Quốc Sơn - Đại Dương