Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việt Nam trở thành “tấm gương” trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Vượt qua và nhanh chóng phục hồi kinh tế là nhiệm vụ không thể trì hoãn.
Toàn cầu rơi vào suy thoái
Chính phủ vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 gửi Quốc hội.
Đề cập đến tình hình những tháng đầu năm 2020, Chính phủ nhận định: Tác động của dịch Covid-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức, chuyên gia và cộng đồng quốc tế đều cho rằng dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thiệt hại tương đương các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu trước đây.
Trong 2 tháng đầu năm mặc dù số ngày làm việc không nhiều nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn cầm chừng do mới bị ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc. Từ tháng 3 tình hình nghiêm trọng hơn, nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống gần như dừng hẳn hoạt động. Qua đợt "cách ly xã hội" kéo dài trong tháng 4, tình hình dịch Covid-19 trong nước có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn trong những ngày gần đây.
Nhìn về những tháng cuối năm, Chính phủ nhận định: Kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế trước những biến động của thế giới và tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Tuy được đánh giá đã tổ chức phòng chống, dập dịch có hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác, nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam.
Do đó, về trung và dài hạn, Chính phủ cho rằng cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.
Toàn cầu suy thoái, Việt Nam gắng vượt qua thách thức
Về kinh tế, Ủy ban này đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là nghiêm trọng. Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh.
Đi sâu từng lĩnh vực, Ủy ban Kinh tế lưu ý vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm. Ngoài ra, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.
Ủy ban Kinh tế cho rằng: Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở đó, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Trong đó cần chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi ngân sách, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.
Ủy ban này cũng lưu ý tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM).
Nguồn Vietnamnet