Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Qua các bài viết và thông tin truyền tải, báo chí đã giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt được những thách thức và cơ hội, từ đó có thể phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và toàn diện hơn.
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm (bên trái) trao Giải nhất cho tác giả.
Các nhà báo và những tác giả có tác phẩm đoạt giải lần này không chỉ là sự công nhận cá nhân mà còn là khẳng định về chất lượng tác phẩm và tầm ảnh hưởng của lao động sáng tạo. Đây là giải báo chí hết sức ý nghĩa cho những người làm báo miền Đông Nam Bộ, một khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, một khu vực mà báo chí hoạt động tích cực và sáng tạo.
Tỉnh ủy Tây Ninh và Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức lễ trao giải báo chí miền Đông Nam Bộ lần thứ nhất. Theo nhà báo, TS Trần Thị Lan, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, Trưởng Ban Tổ chức, đây là giải được tổ chức với mục tiêu tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền về vùng.
Qua đó, phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông, đồng thời góp thêm tiếng nói quan trọng thúc đẩy hành động thiết thực và thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Sau gần một năm phát động, mặc dù đây là lần đầu tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng tích cực của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước khu vực miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh... Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm gửi đến từ các cơ quan báo chí, nhà báo, hội viên của khu vực miền Đông Nam Bộ.
Ban Tổ chức đã lựa chọn các thành viên của Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo là những nhà báo uy tín, giàu kinh nghiệm như nhà báo Nguyễn Khắc Văn (Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng), Tô Đình Tuân (Tổng Biên tập Báo Người Lao Động), Lý Việt Trung (Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh),...
Sau một thời gian làm việc với tinh thần khẩn trương, khách quan, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 61 tác phẩm vào vòng chung khảo. Trong 61 tác phẩm, hội đồng chung khảo đã lựa chọn 22 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải gồm: hai giải nhất; bốn giải nhì; sáu giải ba và 10 giải khuyến khích.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhận xét, các tác phẩm gửi về chủ yếu xoay quanh những vấn đề đang được quan tâm như: công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học-công nghệ, chuyển đổi số.
Giải nhất (thể loại báo in-báo điện tử) là loạt bài 5 kỳ: “Bất cập trong tuyển sinh lớp 6” của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu (tác giả Lục Thị Khánh Chi); đồng giải nhất (thể loại Phát thanh-Truyền hình) là tác phẩm phim tài liệu “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” của Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương (nhóm tác giả Đặng Ngọc Quý, Vũ Văn Vương).
Ở giải nhì (thể loại báo in - báo điện tử) là loạt bài 3 kỳ: “Kiên quyết chống giặc nội xâm” của tác giả Lê Thị Liên (Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước); loạt bài 5 kỳ: “Phát triển vùng Đông Nam Bộ xứng tầm” của tác giả Trần Quốc Hải (Báo Điện tử Dân Việt). Cùng giải nhì (thể loại Phát thanh-Truyền hình) là phim tài liệu 3 kỳ: “Hành trình tương lai” của tác giả Trần Ngọc Thuyết, NSƯT Đào Quang Tuệ, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Trung Dũng, Trịnh Quốc Thái (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh); tác phẩm “Xây dựng văn hóa liêm chính - Vấn đề cấp bách hiện nay”, của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Oanh, Thổ Thanh, Phan Thị Hoa, Trần Đức Hiến (Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước).
Ban Tổ chức cũng trao thưởng cho các tác giả đoạt giải ba, thể loại báo in và điện tử gồm: loạt bài 5 kỳ: “Vén màn dịch vụ quái đản núp bóng quán karaoke” của tác giả Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Thị Thảo (Báo Người Lao Động); loạt bài 3 kỳ: “Phá thế “co cụm” trong liên kết vùng Đông Nam Bộ” của tác giả Phạm Văn Tùng, Nguyễn Thị Hương Giang, Phan Thị Kim Ngân (Báo Đồng Nai); loạt bài 3 kỳ: “Gian nan đi làm giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất” của tác giả Vũ Thị Nguyệt (Báo Tây Ninh).
Cùng giải ba, thể loại Phát thanh-Truyền hình là: phim tài liệu “Giấc mơ” của tác giả Hồ Minh Hải, Phạm Đức Thuận, Lê Hồng Phúc (Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); phóng sự “Giải hạn”, tác giả Triệu Quang Khải (Đài Phát thanh-Truyền hình Tây Ninh); phóng sự “Tạo chuyển biến có tính đột phá cho vùng Đông Nam Bộ”, tác giả Nguyễn Huệ Như (Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, các nhà báo và các cơ quan truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và phát triển. Qua việc phản ánh, báo chí không chỉ là những người truyền tải thông tin mà còn là những người góp phần định hình ý thức và tư duy của xã hội.
Qua các bài viết và thông tin truyền tải, báo chí đã giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt được những thách thức và cơ hội, từ đó có thể phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và toàn diện hơn. Chúng ta tin tưởng rằng, “Giải báo chí về miền Đông Nam Bộ” tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo với sự tham gia của nhiều tác giả, các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí nhằm khẳng định mạnh mẽ vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông về miền Đông Nam Bộ.
Nguồn Nhandan