Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng phụ trách đam mê nghề, mến trẻ
Thứ bảy: 11:23 ngày 14/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ lúc đôi mươi và đến nay đã ngoài 40, cô giáo Nguyễn Kim Phụng (Trường tiểu học Bàu Năng A, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) vẫn luôn đầy nhiệt huyết và tâm hồn yêu thương trẻ.

Cô Phụng và các em học sinh chuẩn bị cho “Căn-tin 0 đồng” năm học mới.

Cô chia sẻ: “Hơn hai mươi năm làm Tổng phụ trách Đội, đến giờ tôi vẫn chưa thấy nhàm chán mà ngày càng thích hơn vì công tác Đội có nhiều hoạt động ý nghĩa”. Cô Phụng lý giải, khi tham gia hoạt động Đội có thể tiếp cận được những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra còn lan toả cho các em tình yêu quê hương đất nước, tìm về các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, thăm viếng các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cô Phụng cho biết đến với công tác Đội như một cái duyên. Trong thời gian làm giáo viên, cô chưa từng chủ nhiệm mà chỉ làm công tác Đội, dạy thêm các tiết âm nhạc, hay hoạt động trải nghiệm.

Những năm qua, cô Phụng luôn làm rất tốt công việc của mình và được đánh giá cao. Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Bàu Năng A cho biết: “Cô Phụng là một tấm gương sáng tại trường, cô rất tích cực trong các hoạt động, tạo ra nhiều phong trào bổ ích cho học sinh như: Ngôi nhà xanh, Căn-tin 0 đồng, Tết vì bạn nghèo, biểu diễn thời trang tết. Sự nhiệt tình, sáng tạo của cô Phụng đã tạo môi trường vui chơi lành mạnh cho học sinh, giáo dục các em biết giúp đỡ nhau, có ý thức giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan nhà trường luôn sạch đẹp”.

Để có những hoạt động liên tục, cô Phụng luôn suy nghĩ tìm ra những mô hình mới nhằm thu hút sự tham gia của các em học sinh và sự ủng hộ của phụ huynh.

Những năm qua, nhiều mô hình được triển khai tại trường, có mô hình từ sự sáng tạo của cô Phụng được lan toả ra nhiều trường khác. Trong đó, mô hình Căn-tin 0 đồng là sáng tạo mà cô thấy tâm đắc nhất. Cô Phụng chia sẻ: “Tại trường có nhiều em học sinh còn thiếu thốn do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì thế tôi thành lập Căn-tin 0 đồng- là nơi để cung cấp cho các em dụng cụ học tập, đồ chơi, quà bánh. Giúp các em được đủ đầy hơn, không có cảm giác bị thua kém”.

Để thực hiện mô hình, cô Phụng vận động các bạn có điều kiện đóng góp thực hiện. Nhiều phụ huynh thấy được hoạt động ý nghĩa đã chung tay đóng góp. Trong hơn 2 năm duy trì mô hình, căn-tin ngày càng phong phú và không thua kém các căn-tin bình thường. Điều khiến cô Phụng hạnh phúc chính là mô hình ý nghĩa này được nhân rộng ra nhiều trường để giúp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cô Phụng chia sẻ: “Tôi vui vì sự sáng tạo này đã mang đến cho các em cảm giác được quan tâm, thích đến trường, thích gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Các em có điều kiện thì có cơ hội làm việc tốt, quan tâm đến bạn bè”.

Cô Phụng còn sáng tạo hoạt động trải nghiệm nấu ăn, giúp học sinh có kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi ba mẹ vắng nhà. Hoạt động này mỗi năm tổ chức 2 lần để học sinh biết nấu ăn với sự hướng dẫn của giáo viên. Những ngày tết, trẻ được mua sắm quần áo đẹp, cô Phụng tích cực vận động phụ huynh mua trang phục truyền thống như áo dài. Sau đó, tập hợp các em và tổ chức buổi biểu diễn thời trang tết sôi nổi, tạo không khí vui tươi, hào hứng. Hay mô hình nuôi heo đất xây Ngôi nhà xanh góp phần giáo dục các em ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống.

Với sự hoạt động tích cực của mình, cô Phụng giúp liên Đội của trường luôn nằm trong tốp đầu của huyện. Cô Phụng cũng là Phó Chủ nhiệm CLB Tổng phụ trách huyện Dương Minh Châu. Đối với cô Phụng không có áp lực nào bởi cô luôn nghĩ rằng tất cả những việc làm, những sáng tạo của mình đều vì các em. Cô Phụng cho rằng, điều thấy hạnh phúc nhất trong công việc của mình là được gần gũi các em, giúp được các em trong lúc các em cần nhất, những hoạt động ý nghĩa này được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ.

Theo cô Phụng, công tác Đội mỗi năm đều đổi mới, đặc biệt hiện nay đang chuyển sang hoạt động Đội số. Và để thích ứng với công nghệ, cô Phụng luôn nỗ lực. “Mỗi ngày mình phải học hỏi thêm một ít vì có một số hoạt động sẽ hơi khó đối với mình, đặc biệt về ứng dụng công nghệ phải học trên YouTube và đồng nghiệp để kịp thích ứng”.

 Nhiều năm gắn bó với công tác Đội, cô Phụng cho rằng công việc này cần đam mê mới có thể gắn bó. Dù không chủ nhiệm nhưng cô Phụng được các em học sinh yêu mến. Với học sinh cá biệt, cô Phụng sẽ quan tâm, giải thích cho các em biết đúng, sai để các em dần sửa đổi, chứ không vì sai phạm mà cảnh cáo hay la rầy trước đám đông. “Tôi vẫn tìm thấy những nét dễ thương, chân thành từ những đứa trẻ, dù có cá biệt đi nữa. Tôi cũng không gò các em vào một khuôn phép nào mà muốn các em được phát triển tự do”. Chính vì cách dạy đó mà cô Phụng luôn được các em nhớ đến dù đã rời trường và thường xuyên liên lạc với cô.

Hơn hai mươi năm gắn bó, cô Phụng đạt được nhiều thành tích, được UBND tỉnh, Hội đồng Đội Trung ương khen thưởng. “Được công tác, có cơ hội gặp gỡ những đồng nghiệp giỏi, tôi được tiếp thêm động lực để phấn đấu trong nghề. Được tiếp xúc với các em, tôi thấy mình năng động và trẻ hơn”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục