Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trảng Bàng: Thông qua đề án phát triển du lịch năm 2020, tầm nhìn năm 2030
Thứ năm: 07:41 ngày 19/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 17.12 UBND huyện Trảng Bàng tổ chức hội thảo thông qua đề án phát triển du lịch huyện năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Minh Dảo chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đề án gồm các nội dung: Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Trảng Bàng; các giải pháp phát triển du lịch; định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; định hướng về đầu tư phát triển du lịch; các dự án cần ưu tiên đầu tư; dự báo về lượng khách du lịch đến Trảng Bàng trong thời gian tới; dự báo nhu cầu cơ sở lưu trú, mức chi tiêu của khách du lịch và dự báo thu nhập du lịch giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị sau hội thảo, huyện cần tổ chức hội nghị để các cơ quan chức năng bàn bạc giải pháp khai thác mô hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - tâm linh; thu hút song song lượng khách nội địa và khách quốc tế; mở rộng hình thức du lịch cộng đồng; tăng cường công tác quảng bá nâng cao ý thức trong nhân dân về việc bảo vệ môi trường du lịch...

Được biết, huyện Trảng Bàng nằm trên khu vực địa hình bán bình nguyên phù sa cổ, là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Huyện nằm trên trục đường từ TP.HCM đi Campuchia, cách TP.HCM 43 km và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 40 km; hệ thống giao thông nối liền với thành phố Tây Ninh, các huyện và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An. Hơn nữa, trên địa bàn huyện được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú đa dạng; nhiều địa danh, di tích cách mạng, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Thị trấn huyện Trảng Bàng nhìn từ trên cao.

Những địa danh như Rừng Khỉ, Rừng Rong, địa đạo An Thới đã được ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Các văn hóa vật thể như tháp cổ Bình Thạnh, nhà thờ Tha La, chùa Tây Pháp, Miếu ông Cả vẫn tồn tại và giữ nguyên giá trị văn hóa từ nhiều thế hệ để lại.

Đối với văn hóa phi vật thể như lễ hội kỳ yên đình Gia Lộc, múa bóng rỗi ở Gia Bình, các nghề như đúc đồng lò rèn ở Gia Lộc, làm bánh tráng phơi sương… vẫn được giữ gìn đã tô thêm những nét đẹp văn hoá của quê hương xứ Trảng. Với những lợi thế, tiềm năng to lớn, đã gợi mở cho huyện Trảng Bàng trong tương lai có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch cộng đồng, tâm linh, văn hóa, lịch sử và ẩm thực…

Hiểu Sinh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục