Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trao cơ hội thay đổi đời sống người nghèo
Thứ sáu: 13:46 ngày 10/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người được thụ hưởng nhận trâu (bò) sinh sản về chăn thả, sau khi trâu (bò) đẻ ra và được nuôi đủ 12 tháng tuổi thì chuyển giao bê (nghé) cho Ban Quản lý dự án để xét hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng tiếp theo, hộ nghèo được quyền sở hữu trâu (bò) mẹ mà mình đã nhận nuôi.

Với mục tiêu hỗ trợ các gia đình nghèo có điều kiện từng bước vươn lên thoát nghèo, từ năm 2016, Uỷ ban MTTQVN tỉnh triển khai Ðề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016-2020. MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả Ðề án. Ðến nay đã hoàn thành việc hỗ trợ theo chỉ tiêu đề án đề ra, mua cấp 1.003 con trâu (bò) với số tiền 23,938 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, theo tiêu chí, mỗi hộ nghèo được xét hỗ trợ 1 con trâu hoặc bò cái sinh sản trị giá không quá 25 triệu đồng. Người được thụ hưởng nhận trâu (bò) sinh sản về chăn thả, sau khi trâu (bò) đẻ ra và được nuôi đủ 12 tháng tuổi thì chuyển giao bê (nghé) cho Ban Quản lý dự án để xét hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng tiếp theo, hộ nghèo được quyền sở hữu trâu (bò) mẹ mà mình đã nhận nuôi.

Bến Cầu là một trong những huyện thực hiện tốt Ðề án. Mặt trận và các tổ chức thành viên huyện được MTTQVN tỉnh hỗ trợ 96 con, trong đó, dự án của Mặt trận được 36 con. Ngay khi tiếp nhận đề án, Uỷ ban MTTQVN huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo. Mặt trận quản lý dự án rất chặt chẽ, giám sát từ khâu mua bò, quá trình sinh trưởng, cách thức chăn nuôi đến lúc bò sinh sản.

Ông Lê Thanh Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Bến Cầu cho biết, việc bình xét, chọn đối tượng thụ hưởng được MTTQVN huyện thực hiện khá chặt chẽ. Từ tuyến cơ sở, quy trình xét chọn được thực hiện khách quan, dân chủ qua 3 bước: họp xét ở ấp, thành phần dự họp là trưởng ban CTMT ấp, các đoàn thể ấp và kết quả được thông qua ban quản lý ấp; họp xét ở tuyến xã do chủ tịch MTTQ cấp xã chủ trì, cùng với trưởng các đoàn thể ở xã, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả thông qua UBND cùng cấp phê duyệt; họp xét ở tuyến huyện cũng được tiến hành theo quy trình tương tự, nên tất cả danh sách đối tượng thụ hưởng do MTTQ huyện đề nghị đều chính xác theo các tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo mà đề án đã triển khai.

Tiêu chuẩn vật nuôi giao cho hộ nghèo là trâu, bò từ 12 tháng tuổi trở lên, chiều cao vật nuôi từ 1,1m đến 1,2m trở lên, bảo đảm điều kiện sống và sinh sản của vật nuôi. Với cách làm chặt chẽ, từ khi triển khai đến nay, MTTQVN huyện Bến Cầu đã thực hiện khá thành công, không có thiệt hại trâu, bò do rủi ro (bệnh chết, bị mất cắp, hộ nghèo tự ý bán bò khi không thông báo...). Nhiều hộ có thêm cơ hội thoát nghèo.

Ông Võ Văn Toán- sinh năm 1954, ngụ ấp Long Hoà 2, xã Long Chữ là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng từ dự án cho biết: “Vợ chồng tôi tuổi đã cao, sức yếu lại hay bệnh tật, không có khả năng lao động, hiện sống với 2 đứa cháu nội- cha mẹ ly dị, cha đi làm xa.

Năm 2017, tôi được MTTQVN xã Long Chữ xét hỗ trợ một con bò cái sinh sản. Hai vợ chồng chăm sóc kỹ lắm. Mình nuôi từ từ rồi mình giao bò con, đợi khi nó sinh tiếp, mình nuôi lớn bán kiếm tiền lo cho các cháu”.

Gia đình anh Lê Văn Long- sinh năm 1978, ngụ ấp Long Bình, xã Long Chữ thuộc diện cận nghèo, vợ bỏ đi gần 8 năm nay. Không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, anh đi mua ve chai, nuôi hai đứa con nhỏ. Năm 2017, cha anh được xã xét xây cho căn nhà đại đoàn kết.

Từ số tiền tích cóp, anh mua gạch về xây thêm bức tường cặp nhà cha anh để che mưa nắng, mua tole cũ về lợp. Tháng 5.2018, anh được MTTQVN xã Long Chữ xét hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản. Ðây là lứa bò thế hệ thứ hai được chuyển giao từ hộ của ông Võ Văn Toán.

Ông Lê Văn Nù- cũng là đối tượng được thụ hưởng từ dự án bò, tâm sự: “Nó (anh Long) khổ lắm, vợ bỏ đi, mấy cha con sống với nhau, đâu có đất cát gì trồng trọt. Giờ hằng ngày nó đi mua ve chai, mấy ông cháu cắt cỏ chăm sóc bò. Tui cũng ráng nuôi 2 con bò để sau này lo cho mấy đứa cháu”.

“Việc mua và giao trâu (bò) theo đề án ưu tiên cho người được thụ hưởng tự chọn lựa sẽ bảo đảm tính minh bạch và tăng trách nhiệm, hiệu quả sẽ cao hơn. Trường hợp người được thụ hưởng không trực tiếp chọn lựa, Ban quản lý dự án thành lập tổ mua giúp họ”- ông Lê Thanh Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Bến Cầu nhận định.

Theo kế hoạch, trong năm 2019, MTTQVN huyện Bến Cầu sẽ bàn giao tiếp 9 con trâu, bò sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, trao cơ hội thoát nghèo, tạo điểm tựa để người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống.

Cùng các giải pháp khác, hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là cơ hội, điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

H.Tiên

Tin cùng chuyên mục