Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tri ân dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ sáu: 08:25 ngày 26/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Triển lãm “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ” là sự tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến nói riêng, các lực lượng nói chung đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2019), ngày 25/4, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Phú Thọ tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và tham quan triển lãm.

Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia bảo đảm công tác hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ; tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trưng bày tại triển lãm được chia thành 04 phần: Phần mở đầu - giới thiệu những hình ảnh, hiện vật thể hiện chủ trương quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phần 1 - Dốc sức cho Điện Biên; Phần 2 - Điện Biên - Điểm hẹn Quyết chiến, quyết thắng; Phần 3 - Âm vang còn mãi.

Ở phần mở đầu, triển lãm giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật về chủ trương của quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ, dân công vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm giành chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiêu biểu là các hình ảnh, hiện vật như: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với dân công hỏa tuyến, Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tháng 12/1953; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan triển lãm. Ảnh: Nhật Bắc (Báo Chính phủ)

Phần “Dốc sức cho Điện Biên” đã phản ánh vị trí chiến lược quan trọng của Điện Biên Phủ; âm mưu của thực dân Pháp; chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam huy động sức người, sức của quyết tâm tiêu diệt quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Lực lượng dân công hỏa tuyến đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh tham gia mở đường, sửa đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men ra mặt trận phục vụ chiến dịch, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

“Điện Biên - Điểm hẹn Quyết chiến, quyết thắng” phản ánh quá trình chiến đấu anh dũng của quân và dân ta với quân Pháp tại lòng chảo Điện Biên; lực lượng dân công hỏa hỏa tuyến ra sức phục vụ bộ đội chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam, chấm dứt gần 100 năm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Tiêu biểu là các tài liệu, hiện vật như: Bản kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ về “Nâng cao và giữ vững quyết tâm, hoàn thành công tác chuẩn bị tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, ngày 22/2/1954; Thư số 45/CT do Tổng Quân ủy gửi toàn thể các đồng chí đảng viên trước đợt tiến công thứ II vào Điện Biên Phủ ngày 29/3/1954; Báo cáo số 370/BC ngày 18/4/1954 của Ban Bảo đảm giao thông Khu Tây bắc về sơ kết công tác bảo đảm giao thông Khu Tây bắc, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ từ 11/1953 - 3/1954; Thông cáo đặc biệt của Bộ Tổng Tư lệnh chính thức báo tin cho cán bộ, chiến sĩ và dân công trên mặt trận Điện Biên Phủ về việc chúng ta đã giành chiến thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954.

Phần trưng bày “Âm vang còn mãi” trưng bày những tài liệu, hình ảnh về những con người năm xưa đã góp phần làm nên chiến thắng, những câu chuyện dân công hỏa tuyến ngày nay về cuộc sống đời thường họ đã và đang phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn kết, sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Giới thiệu về thành phố Điện Biên Phủ hôm nay đã có nhiều đổi thay, xứng đáng với lịch sử hào hùng và niềm tin yêu của Đảng, đồng bào, chiến sĩ cả nước, trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực miền núi Tây Bắc, Việt Nam.

Triển lãm “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ” là sự tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến nói riêng, các lực lượng nói chung đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Thông qua triển lãm, giới thiệu ý nghĩa và tầm vóc to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ đến công chúng trong và ngoài nước, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đánh giặc giữ nước, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam./.

Nguồn CPV

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục