Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà trường cần tạo môi trường an toàn, thân thiện, có các hoạt động giáo dục cũng như vui chơi phù hợp để học sinh hứng thú khi đến trường, học tập.
Thời gian gần đây, tại các trường học liên tiếp xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, tính mạng của học sinh.
Mới đây nhất tại Hà Nội, một học sinh lớp hai bị ô-tô đâm gãy chân trong sân Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); một nữ sinh Trường THPT Phan Đình Phùng bị bỏng độ ba trong giờ thực hành môn Hóa hay cô giáo mầm non bạo hành trẻ tại nhóm lớp mầm non độc lập tư thục Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng)... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các vụ việc, tùy mức độ nặng nhẹ, không chỉ gây ra những di chứng, mà còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của học sinh, khiến các bậc phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình khi đến trường.
Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp liên quan các vụ việc tại trường học đều có thể phòng tránh nếu giáo viên và học sinh ý thức, thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng ngừa, cũng như thực hiện tốt các quy định trong hoạt động giáo dục, trong thực hiện đạo đức nghề nghiệp. Bởi bên cạnh những nguy cơ khách quan đến từ bên ngoài thì chính học sinh cũng là nguyên nhân gây ra các thương tích cho bản thân mình.
Với tính cách tò mò, hiếu động, thiếu hiểu biết về nguy cơ và tác hại, không được chỉ dẫn cụ thể thường xuyên của giáo viên đã làm cho học sinh gặp phải những tai nạn như bỏng do thực hành thí nghiệm, ngã do đùa nghịch, xô đẩy nhau, đuối nước...
Ngoài ra, nội quy và quy định của nhiều trường không chặt chẽ; thiếu sự quan tâm, kiểm tra, giám sát thường xuyên của giáo viên dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng xảy ra ngay trong khuôn viên nhà trường. Nhiều trường học có phòng y tế nhưng trang thiết bị nghèo nàn, kỹ năng sơ cứu của đội ngũ nhân viên y tế trường học yếu kém về trình độ chuyên môn.
Đáng chú ý, việc xảy ra tai nạn với học sinh còn do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một số thầy giáo, cô giáo hoặc do sự thiếu kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp dẫn đến chính các cô giáo có hành vi bạo hành trẻ...
Trường học không chỉ là nơi trẻ học tập kiến thức mà còn là nơi rèn luyện kỹ năng sống, hình thành nên nhân cách, đạo đức, lối sống. Đây cũng là nơi để các em cảm nhận được sự yêu thương, che chở, an toàn... như mái ấm của mình. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn, tạo môi trường thân thiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh khi đến trường là điều quan trọng.
Để có được điều đó, đòi hỏi các nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nhận biết được các nguy cơ xảy ra tai nạn, đồng thời chủ động phòng tránh và biết xử lý khi tai nạn xảy ra; lồng ghép chương trình giáo dục tai nạn thương tích vào giờ học.
Nhà trường cần tạo môi trường an toàn, thân thiện, có các hoạt động giáo dục cũng như vui chơi phù hợp để học sinh hứng thú khi đến trường, học tập. Bên cạnh đó, các thầy giáo, cô giáo cần có ý thức và trách nhiệm trong vấn đề bảo đảm an toàn cho học sinh; nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng giáo dục không chỉ đến trường để truyền dạy kiến thức cho học sinh, mà còn là tấm gương để học sinh noi theo trong mọi hoạt động.
Tránh tình trạng gián tiếp hay trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần học sinh, gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội. Các cơ quan quản lý giáo dục cần có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ cho giáo viên.
Coi trọng khâu tuyển chọn và đào tạo những giáo viên có đủ trình độ và yêu nghề; thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm với những trường hợp thầy giáo, cô giáo thiếu trách nhiệm, gây mất an toàn cho trẻ trong nhà trường. Có như vậy mới tạo nên môi trường giáo dục an toàn, thân thiện để học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”...
Nguồn Báo Nhân dân