Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyền thông Séc đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thứ bảy: 14:18 ngày 20/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước, trong và sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới CH Séc từ ngày 16-17-4, nhiều kênh truyền hình, báo, đài của Séc đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này.

Description: http://image.baoangiang.com.vn/fckeditor/upload/2019/20190420/images/thu_tuong_nguyen_xuan_phuc_sec.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hoà Séc Andrej Babis. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trang tin của Quốc hội Séc parlamentnilisty.cz nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Séc tiếp tục cho thấy mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước và sẽ tạo ra động lực thúc đẩy hợp tác trong tương lai.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm thứ hai của một thủ tướng Việt Nam tới Séc sau 12 năm (lần gần nhất vào năm 2007). Mục đích của chuyến thăm là tăng cường quan hệ truyền thống và hợp tác thân thiện giữa Việt Nam và Séc, hướng đến kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020 (2/2/1950 - 2/2/2020).

Trang web trên nhận định trong tương lai, Việt Nam và Séc sẽ có tiềm năng lớn để mở rộng hợp tác song phương. Trong bối cảnh nền kinh tế Séc chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm của kinh tế Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu do tác động của Brexit và cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Séc đang thúc đẩy và tăng cường quan hệ với Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu tới các nước châu Á.

Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Séc là một trong những quốc gia EU có cơ sở khoa học và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất xe hơi, công nghệ nano, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến thực phẩm và sản xuất bia. Những ngành này là cơ hội để Việt Nam và Séc hợp tác trong tương lai.

Trong khi đó, halonoviny.cz - trang tin của Đảng Cộng sản Séc, cho rằng Việt Nam là mô hình phát triển thành công và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng. Sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh, Việt Nam ngày nay không chỉ được Mỹ và châu Âu, mà còn nhiều nước trên toàn thế giới đánh giá là một mô hình phát triển thành công với những tiến bộ lớn trong những năm qua. 

Kể từ năm 1990, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần. Tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 6% mỗi năm và không ngừng tăng lên. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 7,08%. Lợi thế của nền kinh tế Việt Nam không chỉ là sự linh hoạt và lao động giá rẻ, mà còn là sự khuyến khích của chính phủ trong cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong chiến lược giảm nghèo đã đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. 
Đây là kết quả của công cuộc Đổi mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986. 

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với chính sách đổi mới, và hiện đang tăng cường hội nhập quốc tế. Từ năm 1977, Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc và duy trì quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã ký kết và thực hiện 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội Việt Nam phê duyệt vào cuối năm 2018 hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việt Nam đã tổ chức thành công một số sự kiện lớn trong khu vực và toàn cầu, như Liên minh Nghị viện 132 (IPU), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 và Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26). Gần đây, Việt Nam được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Những thành tựu từ công cuộc Đổi mới của Việt Nam trong hơn 30 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn và quyết định của Việt Nam đi theo con đường đổi mới là đúng đắn, hợp lý và Việt Nam được xem là một mô hình thành công. Điều đó tạo nền tảng căn bản và cơ sở vững chắc cho con đường phát triển nước Việt Nam độc lập và hội nhập thành công hơn nữa trong tương lai.

Trang tin tức châu Âu EuroZprávy.cz nhận định, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Séc Andrei Babiš thấy rõ tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khai thác hoặc vận tải và Séc có thể thành công ở Việt Nam. Thủ tướng Séc cũng ủng hộ việc mở đường bay thẳng giữa Praha và Hà Nội, cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU. 

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông Séc đều nhấn mạnh, tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Babis và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Babis khẳng định ủng hộ Việt Nam nhanh chóng ký thỏa thuận thương mại tự do với EU và ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Kênh truyền hình Séc Ceskenoviny.cz dẫn lời Thủ tướng Séc Babis cho biết tất cả các bên đều hy vọng Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ sớm được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, đồng thời ông sẽ liên hệ với Ủy ban châu Âu để xem liệu hiệp định này có thể ký kết và thông qua trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hay không.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục